Nuôi con theo phương pháp thực dưỡng(macrobiotics) đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tốn nhiều công sức hơn để chế biến các món ăn cho con bạn thay vì chỉ pha sữa công thức. Nhưng điều căn bản ở đây là nếu bạn muốn con bạn có một thể chất tốt, vững chãi, tránh được những nguy cơ về béo phì, loãng xương sau này thì chế độ ăn với ngũ cốc nguyên cám là một chọn lựa khá hoàn hảo.
Trong giai đoạn đầu của việc ăn dặm, vì dạ dày của bé vẫn còn khá mới nên bắt đầu cho ăn những bữa ăn đầu tiên là bột gạo lứt.
Khi đường tiêu hóa của bé vẫn còn non nớt, thì việc ngay lập tức bổ sung quá nhiều đạm động vật trong năm đầu tiên vẫn là quá sớm. Vì vậy nên chủ trương cho bé ăn chay hoàn toàn trong 1 năm đầu đời.
Bữa ăn của bé thông thường có các thành phần sau:
1. Tinh bột từ gạo lứt
2. Protein từ các loại hạt như đỗ Hà Lan, đỗ đỏ, đỗ đen, đỗ gà, đỗ lăng
3. Vitamin và khoáng chất từ các loại rau củ
Nên chọn các loại củ nhiều hơn là các loại rau có lá, vì mùi vị của nó. Bí đỏ, cà rốt, củ cải đường(củ cải đỏ), củ sen…Sau đó là các loại rau như rau ngót, bí ngòi(bí Nhật), rau cải.
Bổ sung canxi và kẽm từ các loại rong biển như Kombu(ninh nước); Wakame(nấu canh, cơm, cháo), Nori để ăn liền(giòn và đậm đà như bim bim nhưng an toàn và bổ dưỡng hơn nhiều).
4. Chất béo từ dầu ăn cho vào cuối cùng: Dầu khá đa dạng gồm có dầu vừng ép thủ công, dầu ngô, dầu oili, dầu ngô, dầu hạt cải…
Lộ trình thức ăn qua các tháng như sau:
1.Tháng thứ 5 chỉ đơn giản là dùng bột gạo lứt nấu cùng với rau củ.
Cách nấu khá đơn giản.
Thường thì nước nấu bột được ninh từ 1,2 loại rau củ khác nhau, và kèm với rong biển, như cách nấu nước dashi của Nhật.
Ví dụ:Thái bí đỏ và một nắm rong biển Kombu, ninh nhừ trong khoãng 15 phút, sau đó gạn lấy nước nấu bột
.
Trộn 3-4 thìa bột gạo lứt đã rang sẵn với nước nấu bột, cho lên bếp và quấy đều tay khoãng 15 phút, cho các loại dầu ăn (1 thìa) vào cuối cùng. Bột chín để hơi nguội rồi cho bé ăn.Trong tháng thứ 5, thường chỉ nấu bột gạo lứt với nước Dashi, không nêm muối, bột rất loãng và đặc dần cũng như từ ít sang nhiều.
2. Tháng thứ 6: Bột gạo lứt nấu với nước rau củ, đậu đỗ
Bột gạo lứt rang được nấu với nước Dashi, thêm 1-2 thìa rau củ đã nghiền nhuyễn.
Sau khi chắt lấy nước ngọt để nấu nước, mình gạn thêm một số thìa rau củ để tăng chất xơ và vitamin cho bé. Ngoài ra để ngon hơn nữa nên có 1 ít rau củ để ninh nước và một ít để tươi, bào mỏng để cho vào nồi bột.
Protein từ đậu đỗ có thể được gia tăng từ 4-5 thìa.
Ngoài các loại rau củ có vị ngọt thì thành phần protein được bổ sung từ các loại hạt đã được nấu chín như: đỗ Hà Lan, đỗ đỏ, đỗ đen, đỗ gà, đỗ lăng. Ninh nhừ một lượng nhỏ đỗ, nghiền nhuyễn và cho vào nồi bột từ 3-4 thìa protein từ đậu đỗ.
3. Tháng thứ 7,8: Bột gạo lứt hoặc bột sữa thảo mộc nấu với nước rau củ, đậu đỗ
Ngoài bột gạo lứt đã rang sẵn, đã có thể dùng thêm loại ngũ cốc đã rang và xay các loại hạt mà thành phần thông thường gồm có: gạo lứt rang 60%; 10% gạo nếp rang và 30% còn lại các loại hạt như ý dĩ, kê , đậu nành, đậu đỏ nhỏ, đậu xanh, hạt sen, vừng đã rang và xay bột...Đây là công thức chuẩn mà người Nhật gọi là sữa thảo mộc Kokkoh dùng để uống liền cho trẻ nhỏ hoặc là làm bột ăn dặm.
Bột ăn dặm này đòi hỏi phải nấu trên bếp từ 15 đến 20 phút để bé dễ tiêu hóa hơn.
Vì đã đủ lượng tinh bột và protein, việc còn lại là nấu một nồi nước dùng thật ngon ngọt. Rau củ trong giai đoạn này có thể thái sợi to hơn và cho vào sau khi bột đã sôi. Nếu nấu cùng bí đỏ, cà rốt, củ cải thì có thể cho vào sớm hơn và nấu lâu hơn. Các loại rau thì thái tăm(thái sợi) và cho vào lúc cuối cho thơm và đảm bảo mùi vị, vitamin.Nếu là các loại củ thì mình thường thêm một vài thìa rau mùi ta (ngò), mùi tây, hành lá để tăng hương vị.
Một loại rong biển cũng thường cho vào cháo, ngoài rong biển Kombu ninh nước; cho thêm rong Wakame(rong nấu canh) thái sợi mỏng cho vào cháo để có vị mặn vừa phải mà không phải nêm muối, vẫn ngon.
Thay đổi khẩu vị cho bé, mình dùng thêm một số sợi rong biển Nori bên ngoài cho bé cầm nắm và ăn ngoài.
4. Tháng 9 đến tháng thứ 10, bắt đầu chuyển sang chế độ ăn cháo qua rây.
Ngâm một ít gạo lứt, 1 trong các loại đỗ giàu đạm(đỗ gà chickpeas, đỗ lăng lentil, đỗ đỏ, đỗ đen) và nấu cơm hoặc nấu cháo trong một nồi áp suất. Nếu thời gian không cho phép, không ngâm mà nấu luôn một nồi cháo gồm gạo lứt, 1 loại đỗ, rong biển Kombu, một ít nghệ, 1 quả mơ muối đã bỏ hạt. Cháo chín cho lên rây và nghiền nhuyễn để lọc ra được một nửa bát con cháo lọc bỏ bã. Vì thông thường gạo lứt nguyên cám và các loại đỗ vẫn còn rất nhiều vỏ cứng chứa nhiều chất xơ nên giai đoạn này mình cần lọc bỏ bớt để dạ dày con thích nghi.
Cháo lọc khá đặc, mình cho thêm ít nước rau ngủ ninh và một ít rau củ thái sợi vào và nấu trong khoảng 10 phút, vị của rong biển Kombu và mơ muối có một chút nên đã vừa miệng con nên hầu như không phải nêm gì. Một ít hành mùi và dầu ăn nêm vào lúc cuối.
5. Tháng 11 đến tháng 12, chế độ ăn cháo xay.
Cháo gạo lứt, đậu đỗ và rong biển sau khi nấu, sẽ không cần qua rây lọc; bạn dùng máy xay cầm tay để xay vào nồi, âu. Dùng 1 bát cháo xay, cho nước rau củ đã ninh nhừ, nấu sôi khoãng 5 phút thì cho các loại rau tươi thái sợi hoặc củ bào mỏng, nấu chín và nêm dầu ăn.
Ở giai đoạn này răng của các con đã mọc được 8 cái, vì vậy mà phản xạ nhai là ưu tiên mình muốn phát triển. Các loại thực phẩm đã thô dần đi. Không còn dùng rây lọc những chất xơ trong rau củ và vỏ gạo lứt, bây giờ bé đã bắt đầu tập nhai những thứ cứng và dai hơn. Nếu trong giai đoạn quan trọng này, bé vẫn còn ăn mịn như cháo lọc thì phản ứng của bé với răng là không tốt, bé sẽ mất dần phản xạ muốn nhai, muốn nếm các hương vị và lười khám phá các món ăn.
Trình bày đẹp trong giai đoạn này trở nên quan trọng hơn. Ngoài bát cháo, bạn có thể luộc rau, củ… cắt nhỏ cho bé tự ăn.
Bột gạo lứt và sữa thảo mộc có thể dùng vào các bữa phụ, sau khi nấu chín khoãng 15 phút thì thêm một ít đường nâu, cho vào bình để các bé tự ăn.
Như Châu