Thói quen phụng sự - giúp con bản lĩnh vào đời
Những người thành công trong cuộc sống dù trong bất kỳ vai trò nào cũng là người phụng sự tốt. Cho dù là bác sỹ, kỹ sư, nhà quản lý, hay lãnh đạo, họ đều phải là người phụng sự, đem lại lợi ích và giúp đỡ được người khác. Thành công tỷ lệ thuận với việc số lượng và chất lượng sự phục vụ của họ. Để con bạn có một tương lai lớn thì ngay hôm nay, bạn hãy giúp con có tư duy, thói quen, động cơ và thái độ đúng về việc phụng sự, là quan tâm và hành động giúp người khác một cách chân thành và trách nhiệm.
Trong bài này có nội dung:
3 Lợi ích của việc phụng sự
Bạn có nghĩ rằng việc để con ý thức được việc phụng sự là cơ hội để con tập luyện mọi kĩ năng sống cần thiết và giúp con phát hiện ra chúng có thể đóng góp đáng kể cho những người khác, ở nơi khác mà chúng gặp hàng ngày?
Để con có thể phụng sự được người khác thì con cần có sự quan tâm, hay lớn hơn đó là biết hiểu, biết yêu và biết thương người khác. Trước mắt người khác đây không phải ai xa lạ, chính là bạn (bố mẹ của con), hay ông bà, thứ đến là hàng xóm, láng giềng, những bạn bè cùng học của bé.
Mình có người anh làm vị trí cao trong ngân hàng, anh hàng tháng bỏ ra hơn 10,000,000 để cho con học các lớp như tiếng anh, toán, ngoại ngữ,… Anh luôn tìm cho cháu những giảng viên giỏi nhất, học những lớp đắt tiền với hy vọng con của anh sẽ học giỏi và sau này kiếm được tiền, nuôi thân. Gần đây thì anh có nói là cháu bị đuổi học, hầu như các thầy cô dạy cháu đều rất khó chịu, không muốn cho cháu vào lớp vì cháu không vâng lời, bảo gì thì đều làm điều ngược lại. anh rất buồn và bế tắc.
Vấn đề mà mình nhận ra là cháu rất ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân, cháu hầu như không quan tâm ,để ý xem người khác muốn gì. Cháu về nhà chỉ vứt cặp ra là ăn cơm, chơi game xem tivi, hoặc học bài, không hề tham gia bất cứ công việc gia đình nào cả. Bây giờ cháu đã học lớp 9 , ông bố và cháu đang lãnh những hậu quả mà chính do mình tự gây ra, do không đào tạo, hướng dẫn thói quen phụng sự khi còn nhỏ.
Quan hệ tốt với những người xung quanh sẽ giúp bé thành công hơn trong cuộc đời. Qua trải nghiệm của bản thân, thì bạn cũng có thể đã hiểu rằng, sự thành công trong cuộc sống không thể chỉ dựa vào bản thân. Nhiều nghiên cứu về xã hội cũng chỉ ra rằng những mối quan hệ sẽ ảnh hưởng lớn đến bạn. Như vậy, con bạn cũng sẽ như thế. Khi cháu có thói quen phụng sự, giúp đỡ người xung quanh thì cháu đã xây dựng được những mối quan hệ tích cực ngay khi còn bé. Chắc hẳn ông bà sẽ yêu hơn, bạn bè cũng lớp sẽ quý bé hơn, cô giáo sẽ quan tâm hơn.
Cuộc sống chi phối bởi quy luật nhân quả, gieo gì gặt nấy. Nếu hàng ngày cháu biết gieo những công việc, hành động đem lại niềm vui, lợi ích cho người khác, thì sớm muộn những người khác cũng sẽ mang đến niềm vui cho bé. Đó là kết quả của thói quen phụng sự. Các sách dạy về thành công có nói về vốn xã hội (social capital) mang ý nghĩa đó. Khi gieo những nhân tốt trong mối quan hệ là bé đang tích lũy vốn xã hội cho bản thân.
Vốn kiến thức (knowledge capital) cũng quan trọng, nhưng có lẽ vốn xã hội quan trọng không kém. Học giỏi mà đơn độc, kiêu ngạo, ích kỷ thì chưa chắc đã được người xung quanh giúp đỡ. Không hiếm các bạn học giỏi nhưng hoàn toàn lại ngơ ngác với cuộc sống. Trên tổng thể, mọi người đều sống trong một xã hội nào đó, khi bé thì ở trong gia đình, khi lớn hơn thì lớp học, trường lớp, công ty, địa phương hay quốc gia. Thiết lập nguồn vốn xã hội lớn sẽ giúp bé tự tin, chững chạc hơn.
Hay trong Đạo Phật thì có khái niệm là phúc, đó là những nhân quả tốt được tích lũy từ trước. Tại sao có những người may mắn, hay gặp cơ hội, được quý nhân phù trợ trong cuộc đời? Điều này được giải thích bằng khái niệm phúc, hay ông bà ta có nói “có phúc mặc sức mà ăn”. Ý rằng, những người phúc lớn thì công việc sẽ thuận lợi, làm việc dễ đạt mục tiêu hơn.
Khi con bạn đã có động cơ đúng khi muốn phụng sự người khác, thì cháu sẽ phát triển kỹ năng, khả năng trong quá trình làm việc. Học mà không hành chẳng bao giờ hiểu. Chính vì vậy việc hành động giúp phát triển toàn diện hơn việc chỉ đọc sách, nghe thầy cô giảng bài. Khi cháu quét nhà, rửa bát, nấu cơm cho mẹ, thì cháu đã học được nhiều thứ trong thực tiễn. Quét nhà cho sạch thì cần tập trung, cần vận động, mắt thì quan sát, tay đưa chổi, bao quát, tìm kiếm vết bẩn. Một việc quét nhà thôi cũng sẽ thể hiện tính cách của bé, nó có cẩn thận không, nó có trách nhiệm không. Quét xong có để chổi vào chỗ cũ hay không? Quét có sạch không?... Qua thực tiễn như vậy, bạn sẽ nhìn thấy khả năng, điểm mạnh & điểm yếu của cháu dễ hơn.
7 Bước thực hiện quá trình huấn luyện phụng sự
(nguồn hoccungcon)
Chắc hẳn bạn đang băn khoăn làm thế nào để chúng ta khuyến khích một thói quen phụng sự ở nhà với con cái? Có một điều thú vị mà bạn cần biết là nguồn gốc của một tư duy phục vụ, tồn tại trong đầu óc, trái tim và hành động ở trẻ xuất phát từ hình ảnh chúng nhìn thấy bạn cách bạn làm. Chúng nghe thấy và bắt đầu hiểu rằng sự tham gia của bạn trong cộng đồng là một phần của việc trở thành một người có trách nhiệm.
- Tạo nhiều cơ hội phục vụ tại nhà có thể là một trong những cách tốt nhất để thúc đẩy hành động phụng sự. Hãy đảm bảo rằng tất cả mọi thành viên trong gia đình không chỉ nhận thức về cách chúng có thể đóng góp để duy trì môi trường chăm sóc trong gia đình mà còn chuẩn bị cho trẻ trong bất kì vai trò mới nào ở môi trường khác . Ở các lứa tuổi và giai đoạn khác nhau, trẻ có thể đảm đương những trách nhiệm mới trong cuộc sống hàng này như dọn bàn ăn, giường ngủ và tự làm vệ sinh cá nhân. Những điều này không cần phải đính kèm với những giải thưởng hay hình phạt nhưng có thể trở thành mong đợi của con người chúng ta, là cách chúng ta đóng góp cho gia đình mình.
Khi giới thiệu một trách nhiệm mới, hãy thử làm mẫu tương tác như là một cách dạy con bạn làm thế nào để đóng góp. Chúng ta, là bố mẹ, thường quên rằng trẻ vẫn đang học theo nhiều cách để thực hiện những nhiệm vụ mà chúng ta đưa ra. Mô hình tương tác có thể là một cách để đảm bảo bạn đang làm những gì có thể để giúp con bạn học những hành động cần thiết để đáp ứng các mong đợi của bạn. Từ cuốn sách của tác giả Margaret Berry Wilson, Interactive Modeling; A Powerful Technique for Teaching Children, chúng ta có thể học quá trình 7 bước mà giáo viên dùng trong các trường học.
1. Nói những gì bạn sẽ làm mẫu và tại sao.
2. Làm mẫu hành vi.
3. Hỏi con bạn những gì chúng nhận thấy.
4. Mời con bạn làm mẫu.
5. Hỏi những gì chúng nhận thấy từ phần làm mẫu của mình.
6. Thực hành cùng nhau.
7. Cung cấp các phản hồi cụ thể bắt đầu với những điểm mạnh, sử dụng mẫu câu “Bố/ mẹ nhận thấy…”
3. Tình huống thực tế: Tu tập cùng con
Gia đình mình hiện nay có 5 cháu tất cả, (3 con đẻ & 2 cháu con em gái, ở chung một nhà). Các cháu thường đi học về, sau đó ăn cơm & học bài. Thời gian tiếp xúc với các cháu nhiều nhất vào buổi tối, mình nghĩ cần phải có thời gian để sinh hoạt cùng các con.
Vào các buổi tối, mình cùng các cháu thực hành một thời khóa tu tập khoảng 90 phút. Lúc đầu thì ít hơn, khoảng 30-40 phút sau đó nâng dần lên khi thấy các cháu rất thích. Mình chia làm 4 hoạt động
Cũng có thể các cháu có duyên nên tiếp thu khá nhanh, xong về căn bản thì nên tập những bài nhỏ, ngắn trước sau đó mới nâng dần lên.
Trong quá trình đó thì vừa phải vui vẻ để các con không cảm thấy áp lực, làm sao tạo ra một không gian ấm cúng, trang nghiêm, nhưng cũng vui tươi & và có tính đùa nghịch. Tuy nhiên cũng sẽ nhắc nhở khi có bạn làm không đúng, hoặc đùa nghịch quá.
Các cháu thực hành xong thì có trách nhiệm thu dọn phòng thờ, thay nước, đốt trầm hương (lưu ý cũng phải cẩn thận khi để cháu sử dụng lửa, nhà mình suýt cháy bàn thờ vì cậu lớn đốt nhiều hương trầm quá)
Có những hôm mình đi vắng, mình có giao việc cho từng bạn được làm lớp trưởng cho từng công việc. Có hôm thì bạn này phụ trách việc tụng kinh, hôm khác thì phụ trách ngồi thiền, v..v cũng phải luân chuyển “công việc”
Ngoài ra thì mình cũng có phần thưởng để các cháu cảm thấy phấn khởi, bằng tiền, quà, hay bánh kẹo. Ít thôi nhưng thỉnh thoảng cũng có, tuyệt đối không để các cháu cảm thấy phần thưởng là động cơ chính, mà điều đó thường không được hứa trước. Hay mua kiểu bất ngờ để cho các cháu ngạc nhiên.
Không bao giờ là quá muộn để tất cả các thành viên tham gia đóng góp công sức của mình cho một công việc cụ thể trong gia đình. Nếu bạn chưa từng áp dụng nó, bạn hãy thử tiến hành các bước này luôn từ hôm nay. Làm việc cùng nhau trong những lần đầu tiên. Tạo ra một thói quen mà trong đó bạn làm việc vào cùng một thời gian mỗi ngày hoặc mỗi tuần.
Đánh dấu trên lịch như một lời nhắc nhở cho bạn và các thành viên khác. Có thể thói quen này tạo ra không dễ dàng, nhưng cảm giác của việc có thể ảnh hưởng nhiều đến người khác là một trong những sức mạnh rất lớn. Cả bạn và con bạn có thể cảm thấy tự tin rằng con biết chính xác làm thế nào để đóng góp cho gia đình và xã hội dù chỉ là một phần đóng góp nhỏ bé.
Tuy nhiên, muốn dạy con bạn điều gì thì nó sẽ nhìn vào bạn đầu tiên, bạn là người thầy/cô đầu tiên của bé, vì vậy, nếu muốn con chịu học thì bạn cũng phải chịu học, nếu muốn con phụng sự thì bạn cũng cần có tinh thần phụng sự. Nhiều khi, mình thường cúi đầu lạy con mình, ví nó cũng dạy mình nhiều thứ, cách chúng sống hồn nhiên, thơ ngây, năng lượng. Thời gian cùng con có lẽ là thời gian quý báu nhất với các ông bố bà mẹ, nếu có cơ hội để làm việc cùng con, cùng chia sẻ trách nhiệm, cùng phụng sự cho ai đó, đấy là lúc hạnh phúc nhất trong cuộc đời.
Nhất Thanh
Tài liệu tham khảo
Tài liệu: Học cùng con (Clever Kids) - Tư duy phục vụ
Tham khảo Khóa học thực dưỡng căn bản online
Nuôi con theo chế độ thực dưỡng