Văn hóa uống trà của người Hàn Quốc đã xuất hiện từ rất lâu đời. Khi so sánh với thói quen uống trà ở nhiều quốc gia khác, cách thức thưởng thức trà của người Hàn Quốc đặc biệt ở chỗ trà được sử dụng khác nhau trong những nghi lễ, tình huống khác nhau. Trà được dâng lên bàn thờ tổ tiên, thánh thần, như thần núi, thần sông, phật, và thậm trí là thần sâu.
Nghi lễ thưởng trà ở Hàn Quốc có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tuy nhiên, người Hàn tiếp cận ở góc độ khác. Họ coi việc thưởng trà như một nghi lễ tìm kiếm sự thư giãn và hài hòa. Việc hưởng trà không quá cầu kỳ và gò bó nhưng vẫn có những nguyên tắc, chủ yếu là tạo nên sự thư giãn. Tất cả hòa trộn tạo thành một nét riêng trong nghệ thuật thưởng trà Hàn Quốc.
Bộ trà cụ cơ bản gồm khay trà với ấm trà, 3-5 chén trà, một bát để làm nguội trà. Chất liệu chủ yếu của các trà cụ là gốm sứ và kim loại với các kiểu dáng đơn giản nhưng thanh thoát, phản ánh sự gắn kết hài hòa với thiên nhiên.
Nếu như trà đạo Nhật Bản dùng bột trà xanh (Mat-cha) thì ở Hàn Quốc lại dùng toàn bộ là lá trà xanh (Jakseol-cha). Chất lượng của lá trà phụ thuộc vào thời gian hái. Vì thế mà ở Hàn Quốc có tới 4 mùa trà với mỗi loại trà khác nhau cho hương vị khác nhau và đi kèm với giá trị khác nhau. Mùa trà đầu tiên gọi là Gok-u bắt đầu vào ngày 20/4 hàng năm, đây là mùa trà cho loại trà thượng hạng với những lá trà non đầu tiên. Loại trà mùa đầu tiên này gọi là trà U-jeon. Mùa trà thứ 2 Sea-jak bắt đầu vào khoảng 5/5 hàng năm, lá trà hái sau vài tuần thôi nhưng cũng cho hương vị khác hẳn so với mùa trà đầu. Mùa trà thứ 3 Jung-jak thì lá trà sẽ già và to hơn. Mùa trà cuối cùng trong năm là Dea-jak cho loại trà kém nhất, tương đồng với giá cả thấp nhất.
Cách thức pha trà ở Hàn Quốc cũng khác với Nhật Bản hay Trung Quốc. Nước dùng để pha trà là nước nóng chưa đến nhiệt độ sôi (khoảng 70-80 độ C). Đối với lượng trà và thời gian pha trà có sự tương tác, càng nhiều trà thì thời gian pha trà càng ngắn. Trong trà đạo Hàn Quốc rất chú trọng chất lượng nước pha trà. Những nghệ nhân trà hay những người thưởng trà thường dùng nước trên núi vào mùa xuân để có hương vị trà ngon nhất.
Thưởng trà theo truyền thống có những nguyên tắc nhất định. Khi khách vào thưởng trà thì ngồi cách xa bàn trà, chủ nhà sẽ pha trà và rót vào từng chén trà, đặt vào một khay gỗ nhỏ và đưa tới từng vị khách. Khi trà của khách hết, chủ nhà sẽ rót trà lần hai. Nước trà lần hai sẽ không còn đậm vị như lần một. Đặc biệt, trong thời gian thưởng trà, chủ nhà chỉ rót 2 lần trà cho khách. Hiện nay, nghi thức thưởng trà đã bớt nguyên tắc hơn, người ta thưởng trà thoải mái và thân thiết hơn, không cần phải ngồi xa bàn trà. Các nghi thức truyền thống vẫn được duy trì trong những nghi lễ quan trọng.
Tài liệu lịch sử Hàn Quốc cho thấy trà được sử dụng lần đầu tiên trong các nghi lễ thờ cúng tổ tiên từ năm 661. Theo quan niệm xưa, trà được làm ra chính là linh hồn của Kong Soro, người sáng lập ra Vương Quốc Kaya (42 – 562 sau công nguyên). Sách KoryO Dynasty (918 – 1392) cho biết trà được phổ biến ở Hàn Quốc nhờ những nhà sư thiển kinh từ Trung Quốc. Do vậy mà trà cũng không thể thiếu trong rất nhiều nghi thức trong Phật giáo ở Hàn Quốc.
Theo lịch sử Hàn Quốc, giới quý tộc sử dụng trà trong nghi lễ thường ngày. Theo đó, có hai loại trà là “Nhật Trà” được dùng hàng ngày, và “Trà dùng cho nghi lễ đặc biệt”. Ở các quốc gia khác, trà không được phân biệt theo cách thức này.
Từ nhiều năm trước, tại Hàn Quốc, người ta có thói quen dâng trà lên cho vua chúa và các thành viên trong gia đình hoàng tộc. Họ uống trà trong Ngày đầu năm mới, hoặc thậm trí trước khi một người nào đó đi chịu án phạt. Trà đóng vai trò quan trọng trong ngày sinh nhật của công chúa, hoàng tử và các thành viên hoàng tộc khác.
Lịch sử Hàn Quốc cũng cho thấy trà giúp con người hoàn thiện hơn về mặt tâm hồn. Một học giả Hàn Quốc dưới thời Soi ch’ong (692 – 746) đã viết, trà và rượu giúp lọc sạch tâm trí của con người.