Nếu ở miền Bắc, miền Trung có bánh chưng xanh thì ở miền Nam có bánh tét. Nguyên liệu gói bánh tét cũng là những nguyên liệu đậm chất quê hương như bánh chưng, gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… nhưng khác ở chỗ: nếu bánh chưng gói bằng lá dong thì bánh tét gói bằng lá chuối, nếu bánh chưng hình vuông thì bánh tét gói tròn, dài khoảng 20cm. Tuy nhiên, nhân bánh tét phong phú hơn, có thể là thịt, có khi nhân làm bằng chuối chín.
Bánh tét có nhiều loại nhân và vị mặn, ngọt tùy ý gia chủ. Phần nếp, bánh tét cổ truyền thường được trộn thêm đậu đỏ hoặc đậu đen cho có sắc màu. Bánh tét được xem như một món ăn phổ biến không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người dân Nam Bộ.
Bánh tét là hương vị riêng của Nam Bộ thế nhưng bánh tét không phải nơi nào cũng giống nhau. Nếu ở Sài Gòn bánh tét chỉ thuần túy làm bằng gạo nếp và đậu xanh thì xuống đến miền Tây bánh tét trở nên đa sắc với bánh tét ngũ sắc, bánh tét lá dứa, bánh tét gấc; ra đảo Phú Quốc thì có bánh tét mật cật, người Cần Thơ lại có bánh tét lá cẩm.
Bánh tét chay cũng là loại bánh có nhiều hương vị đa dạng, phổ biến nhất là bánh tét nhân chuối và bánh tét nhân đậu đen. Với bánh tét nhân chuối thì người ta thường chọn chuối xiêm rồi ướp thêm đường để tăng vị ngọt, khi bánh chín màu đỏ tím trông rất bắt mắt. Bánh tét nhân đậu đen thường chấm thêm đường cát ăn thì ngon hơn. Người ta thường làm nhân bánh ngọt đối với bánh tét chay.
Một loại bánh tét không chỉ công phu mà còn rất đặc biệt mà người dân Nam Bộ đều biết, đó là bánh tét nước tro. Người ta đốt vỏ dừa khô lấy tro nén vào hũ, đổ ngập nước nóng sau đó lọc lấy nước trong cho thêm chút vôi ăn trầu và lọc lại. Điều đặc biệt ở loại bánh này là người ta sẽ ngâm gạo nếp đã vo sạch vào nước tro 2 ngày đêm rồi đem ra đãi sạch lần nữa. Nước nấu thì cho thêm lá giang có vị chua chát hoặc nước măng treo.
Ngày Xuân, mọi thành viên trong gia đình về đoàn tụ và được thưởng thức những khoanh bánh tét thơm ngon mới thấy hết giá trị của không khí gia đình truyền thống và ý nghĩa Tết cổ truyền của dân tộc. Màu xanh của lá, mùi thơm của nếp, của lá dứa, vị ngọt bùi của nhân đậu, thịt sẽ là hương vị đậm đà khó quên cho mỗi người, nhất là đối với du khách đã một lần ghé thăm và ăn Tết với người dân Nam Bộ.