Mơ còn có tên là ô mai, khổ hạnh nhân, tên khoa học Prunus arme-niaca L., thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Từ xa xưa mơ được nhiều dân tộc trên thế giới, nhất là ở phương Đông biết đến. Mơ là loại quả có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều vitamin và những chất chống oxy hoá mạnh, không những được dùng làm thuốc, món ăn mà còn có công dụng làm đẹp.
Thành phần dinh dưỡng
Thịt quả mơ có chứa một số axit như axit citric, axit tartric, 27% đường, tinh bột và nhiều chất chống oxy hoá cao trong mơ có tác dụng kháng viêm, bảo vệ màng tế bào, tăng cường hệ miễn dịch và chống lão hoá, phòng chống bệnh ung thư, tim mạch.
Trong Đông y, mơ được dùng dưới hình thức mơ muối hoặc mơ hun khói thường gọi là ô mai.
Mơ muối có vị chua, tính mát, vào 2 kinh phế và đại trường có tác dụng chỉ khát, sinh tân, thường dùng chữa ho, trừ đờm, kiết lỵ, trừ nôn ói. Mơ hun khói vị chua, tính ấm, có thể giải phiền nhiệt, liẽm khí nghịch, chữa ho hen, suyễn, thở gấp, sốt rét cơn, đái tháo đường.
Dầu hạt mơ có tác dụng hoạt huyết, nhuận tràng. Trong dầu mơ cũng chứa hàm lượng cao những chất béo chưa bão hoà, hữu ích cho hoạt động tim mạch và thần kinh.
Tác dụng với sức khỏe
Mơ chín có nhiều vitamin A, C và các nguyên tố vi lượng. Mơ ngâm đường, ngâm muối vừa tạo được loại nước giải khát tốt trong những ngày hè, vừa có lợi cho hệ tiêu hóa. Bị đau bụng, nếu uống một chút nước mơ nguyên chất là ổn ngay. Quả mơ chín sau khi hái được chế biến thành mơ đen (ô mai) hay mơ trắng (bạch mai), dùng làm thuốc trị ho, giải khát, sinh tân dịch, chữa đau cổ...
Nước siro mơ có tác dụng giải khát, tăng cường sức khỏe. Cách làm rất đơn giản: Mơ chín rửa sạch, ngâm qua nước ấm có hòa thêm chút muối, sau đó vớt ra để ráo nước rồi cho vào bình thủy tinh nắp kín, cứ một lớp mơ lại rắc một lớp đường, sau đó đậy kín. Tỷ lệ thích hợp nhất là cứ một ký mơ dùng một ký đường.
Theo kinh nghiệm dân gian, rượu mơ có tác dụng tốt cho sức khỏe như kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, điều trị bệnh đường ruột, cung cấp chất dinh dưỡng cho hệ thần kinh, có tác dụng giảm chứng lo âu và căng thẳng tinh thần, trị bệnh mất ngủ.
Nhờ có hàm lượng axit acitric hữu cơ và axit amin khá cao, rượu mơ còn giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giảm mệt mỏi, suy nhược... Mỗi ngày chỉ nên uống 30 - 60ml rượu mơ, tốt nhất là pha với nước. Cách làm rượu mơ cũng khá đơn giản: Cứ một ký mơ đem ngâm với một lít rượu 40 - 45 độ, ngâm khoảng một tháng trở lên là dùng được.
Trong hạt mơ còn có B15 tức Pangamic axit, được tìm thấy năm 1951 và được xem là một chất dinh dưỡng hữu ích trong nhiều bệnh về tim, gan, phổi như viêm gan, xơ gan. Ngoài ra, hạt mơ còn có nhiều chất khoáng và chất chống oxy hoá khác để tạo nên một nhóm chất hỗ tương, chất này làm tăng hiệu lực của chất kia để nâng cao sức miễn dịch và chống thoái hoá tề bào.
Quả mơ còn dùng chữa các chứng bệnh ho lâu ngày, ỉa chảy lâu ngày, lị lâu ngày, ỉa đái ra máu, băng huyết, giun đũa quấy gây nôn mửa, người mệt háo khát.
@item:9@
Thực phẩm bổ dưỡng truyền thống
Quả mơ có nhiều chất chống oxy hoá mạnh như Vitamin C, Caroten, Lycopen, Quercetin. Khi ăn nguyên quả mơ, chất xơ và những vi chất khác trong quả sẽ giúp cho các chất - kể cả HCN - được chuyển hoá phù hợp và hữu ích nhất cho cơ thể mà không sợ độc hại, miễn là không ăn quá nhiều một lúc.
Quả mơ, hạt mơ, nước mơ, dầu mơ đã từng là những loại thực phẩm truyển thống của nhiều dân tộc hoặc nhiều bộ lạc khác nhau như người Abkhasian ở Liên Xô (cũ), Hunza ở Pakistan, bộ lạc Villcabiumba ở Ecuador và một số bộ lạc ở Nigeria.
Một tác giả khi mô tả lối sống trường thọ, mạnh khoẻ và năng động của những người Hunza đã cho biết dân ở đây đã tìm thấy một nguồn chất béo thực vật rất quý trong hạt mơ. Nhiều nghiên cứu sau này cho thấy, dầu thực vật có hàm lượng cao các axit béo chưa bão hoà hữu ích cho hệ tim mạch và hoạt động thần kinh.
Dầu hạt mơ có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống ở Hunza. Những người phụ nữ Hunza truyền cho nhau cách sử dụng những món ăn từ quả mơ, hạt mơ. Họ dùng mơ dưới mọi hình thức. Mơ được chế thành bột nhồi, mứt, bánh mì và nước mơ. Dầu mơ để chiên xào, trộn salát. Hạt mơ cũng được cắn vỡ để ăn phần hạt bên trong.
Ở nước ta, mơ thường được dùng dưới hình thức ô mai, nước mơ hoặc rượu mơ. Nước mơ khi được lên men sẽ được bổ sung nhiều loại phân hoá tố và vitamin thêm vào những vi chất bổ dưỡng có sẵn trong thịt mơ. Nước quả mơ tươi pha đường hoặc nước mơ ngâm đường pha nước uống giải khát rất tốt, tăng sức bền bỉ, chống mệt mỏi, giảm mất mồ hôi, đỡ mệt mỏi, ăn ngon miệng, ít bị rối loạn tiêu hóa.
Rượu mơ cũng có tác dụng tương tự, giúp ăn ngon, tiêu cơm, thịt, chất béo và tăng thị lực. Rượu mơ xanh, tính hàn, vị ấm, chữa kém ăn, bụng có giun.
Làm đẹp hiệu quả
Trong mỹ phẩm, người ta dùng nước ép quả mơ tươi, phần thịt quả và dầu mơ được chắt lọc từ hạt quả mơ trong điều kiện công nghiệp bằng cách ép nén. Từ phần thịt quả mà nước ép mơ có thể làm mặt nạ mỹ phẩm. Mặt nạ mỹ phẩm từ nước mơ có tác dụng rất tốt, làm cho da trở nên tươi trẻ, làm giảm nếp nhăn, làm cho da mịn màng, tính đàn hồi cao, bảo vệ da không bị khô quá.
Dầu mơ được làm nguyên liệu chính để chế biến cao dán và kem bôi mặt cũng như mặt nạ trái cây. Nếu không có trái cây tươi ta có thể sử dụng mơ đóng hộp. Khi đó, cứ một cốc mơ xay nhỏ thành cháo ta cho thêm 2 thìa canh hoà tan trong ¼ cốc nước sôi hoặc 2 thìa canh glixerin. Hỗn hợp này cần được bảo quản trong bình thuỷ tinh, đậy kín nắp và đặt trong tủ lạnh.
Ô mai mơ: Chọn những quả mơ thật già (vỏ vàng) đem về phơi ở nơi mát trong vài ngày cho đến khi héo, sau đó đun nước sôi, cho quả mơ vào cho đến khi vỏ nhăn lại, cho vào chõ đồ rồi mang phơi, làm như vậy 6-7 lần cho đến khi quả mơ tím đen là được. Cũng có thể làm ô mai mơ bằng cách cho vào lò sấy bằng than củi (nhiệt độ không quá 40 độ C); khi khô và hơi có màu vàng đen thì cất vào kho để một thời gian cho ngả màu đen là được.
Chế ô mai mơ với muối: Phơi quả mơ đến khi héo, dùng muối xát đều, sau đó cho vào vại (không đổ nước), sau 3 ngày 3 đêm thì bỏ ra phơi cho tái rồi lại cho vào vại muối lần thứ hai, thêm 1 ngày 1 đêm nữa rồi phơi cho thật khô, muối sẽ bám vào quả mơ tạo thành một lớp trắng. Cũng cách muối này, người ta còn có thể cho thêm gừng, cam thảo.
Ô mai mơ được dùng làm thuốc chữa ho, hen suyễn với liều 3-6 g, ngậm hoặc sắc uống. Một số đơn thuốc có dùng ô mai mơ:
Chữa giun chui ống mật, đau bụng do giun đũa, viêm đại tràng mãn tính do lỵ: Ô mai 5 quả, tế tân 4 g, can khương, quế chi, phụ tử chế, xuyên tiêu mỗi thứ 8 g; hoàng bá, đương quy, hoàng liên, đẳng sâm mỗi thứ 12 g. Tất cả tán bột, trộn mật ong làm viên hoàn, ngày uống 12 g chia làm 3 lần, hoặc có thể làm thang sắc uống.
Chữa giun chui ra mồm, mũi: Ô mai 2 quả đun cùng với 300 ml nước, để sôi trong 30 phút, thêm đường cho vừa ngọt, uống trước khi đi ngủ.
Xirô mơ: Mơ chín rửa sạch, để ráo nước, sau đó cho vào bình kín, cứ một lớp mơ lại rắc một lớp đường, đậy kín. Nước xirô mơ có tác dụng giải khát, tăng cường sức khỏe.
Rượu mơ: Mơ chín rửa sạch, để ráo nước, cho vào bình kín, cứ 1 kg mơ cho một lít rượu 50 độ, ngâm khoảng một tháng trở lên. Rượu mơ có tác dụng giúp ăn ngon, giải khát, ngày uống 30-60 ml pha với nước.
Ngoài ra, dầu hạt mơ còn được dùng làm thuốc bổ và thuốc nhuận tràng, thuốc bôi trừ nẻ, bôi cho tóc trơn và bóng.
Dầu nền, dầu dẫn hay dầu chuyển làm từ tinh dầu trái mơ là loại dầu thực vật được sử dụng để vận chuyển các dầu tinh chất vào sâu trong làn da (dầu tinh chất là loại dầu được cô đặc từ thành phần thực vật được chọn lọc nên không thể bôi trực tiếp lên da). Để da hấp thụ được các thành phần của dầu tinh chất, phải pha trộn dầu tinh chất với dầu nền mang tinh chất thực vật 100%.
Massage bằng dầu nền trái mơ sẽ giúp dầu tinh chất thẩm thấu vào da một cách hiệu quả. Ngoài ra, nó còn cung cấp các dưỡng chất cho da, giúp da mềm mại, mịn màng. Dầu nền trái mơ còn dùng để dưỡng tóc giúp tóc mềm mượt tự nhiên, tránh chẻ ngọn, khô cứng (có thể chỉ dùng riêng dầu nền trái mơ hoặc pha với các loại dầu khác).
Riêng dầu hạt mơ còn được dùng làm thuốc bổ và thuốc nhuận tràng, thuốc bôi trừ nẻ.
Để bảo quản tinh dầu trái mơ hay hạt mơ, nên đặt chúng ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào.
Lưu ý là tinh dầu mơ chỉ dùng để điều chế mỹ phẩm, không dùng làm thực phẩm.