Ảnh hưởng đến tim mạch
Theo các chuyên gia, những người thường xuyên ngồi một một chỗ có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 2 lần so với những người thường xuyên vận động. Khi chúng ta ngồi lâu ở một vị trí, các mạch máu hoạt động kém hơn, tốc độc lưu thông máu chậm hơn so với bình thường. Không những thế, máu còn tắc nghẽn ở những bộ phận bị gập lại khi chúng ta ngồi như thắt lưng, đầu gối… Cùng với đó, cơ thể ít đốt cháy mỡ, các axit béo dễ làm tắc nghẽn tim, nếu kéo dài sẽ dẫn đến cao huyết áp, tăng nồng độ cholesterol trong máu.
Tụy hoạt động “quá tải”
Nhiệm vụ của tụy là sản sinh ra insulin và các hormone giúp tế bào lấy gluco từ máu để sinh năng lượng. Tuy nhiên, khi chúng ta ngồi nhiều, các tế bào trong cơ không được vận động sẽ không phản ứng với insulin tiết ra. Điều này dẫn đến một hệ quả là tụy tiếp tục làm việc để tiết ra hormone, dẫn đến hoạt động một cách “quá tải”. Về lâu dài, nó sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường và một số căn bệnh nguy hiểm khác.
Thoái hóa cơ, xương
Thường xuyên ngồi một chỗ nghĩa là các cơ và xương của chúng ta rất ít khi được vận động. Điều này không chỉ gây ra tình trạng nhức mỏi ở các bộ phận như cổ, vai, lưng, mà về lâu dài còn làm cho cơ và xương bị thoái hóa. Nó khiến chúng mình bị hạn chế khả năng di chuyển, giảm sự linh hoạt trong các hoạt động, đồng thời còn dẫn đến các căn bệnh về cơ, xương như suy yếu các cơ, chùng cơ bụng, cong vẹo cột sống, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm… Thậm chí, nó còn khiến cho các đốt sống cổ bị kéo căng và mất cân đối vĩnh viễn.
Các vấn đề về chân
Thời gian ngồi kéo dài sẽ làm cho tuần hoàn máu ở chân giảm do đôi chân của chúng ta luôn trong trạng thái “bất động”. Điều này có thể làm phát sinh các vấn đề ở chân như sưng mắt cá chân, giãn tĩnh mạch, dẫn đến hội chứng huyết khối trong tĩnh mạch (DVT) vô cùng nguy hiểm. Không những thế, việc ngồi nhiều làm cho đôi chân “lười” hoạt động sẽ khiến xương "mỏng" dần đi và làm gia tăng nguy cơ loãng xương
Dẫn đến béo phì
Khi chúng ta ngồi nguyên một chỗ, cơ thể gần như không đốt cháy năng lượng. Điều này làm gia tăng khả năng tích trữ mỡ và dễ dẫn đến béo phì. Không những thế, việc ngồi ở một vị trí trong thời gian dài còn làm tích trữ mỡ bụng do cơ thể bị gập ở phần bụng.
Giảm khả năng tập trung
Cơ thể vận động sẽ giúp bơm máu và oxy lên não tốt hơn. Đồng thời, điều này còn có tác dụng kích thích sản sinh các hóa chất cải thiện tâm trạng và trí não. Chính vì thế, việc ngồi một chỗ trong thời gian dài làm cho mọi quá trình hoạt động bên trong cơ thể diễn ra chậm chạp, máu lưu thông chậm, từ đó sẽ khiến não bộ khó tập trung và làm việc kém hiệu quả hơn.
Tăng nguy cơ tử vong
Theo nghiên cứu của các chuyên gia Hiệp hội ung thư Mỹ, việc ngồi hơn 6 giờ mỗi ngày sẽ làm tăng 40% nguy cơ tử vong sớm trong vòng 15 năm so với những người chỉ ngồi khoảng 3 tiếng mỗi ngày. Cho dù bạn có tích cực tập luyện thể dục thể thao thì khả năng này vẫn xảy ra nếu bạn cứ liên tục ngồi một chỗ. Tác hại của việc này với nữ giới thường nghiêm trọng hơn so với nam giới.
Chính vì vậy, các bạn không nên ngồi ở một vị trí quá lâu. Thay vào đó, hãy vận động thường xuyên. Khi đi học hoặc đi làm, các bạn có thể đứng dậy, vươn vai hoặc di chuyển một chút trong giờ giải lao để cơ thể thoải mái hơn, tránh nhức mỏi và hạn chế những hậu quả xấu nhé!