Các thiết bị nghe nhạc là công cụ giải trí không thể thiếu trong đời sống con người. Tuy nhiên, việc sử dụng với âm lượng quá mức và những thói quen xấu khi nghe nhạc khiến thính lực bị suy giảm mà người bệnh không hề hay biết.
Trong vòng 20 năm trở lại đây, những người bị suy giảm thính lực hoặc thậm chí là điếc tăng lên khoảng 30%. Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng này gia tăng không ngừng ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhiều chuyên gia cho rằng, suy giảm thính lực ở lứa tuổi này là do lạm dụng các thiết bị nghe nhạc.
Một tổ chức nghiên cứu y học và chăm sóc y tế ở Mỹ cho biết, những âm thanh với cường độ trên 90dB (decibel) tác động liên tục trong một thời gian dài là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm thính lực . Nhưng hầu hết các thiết bị nghe nhạc, tai nghe hiện nay đều được sản xuất với khả năng phát âm thanh lớn hơn 120dB - một giá trị khá gần với ngưỡng gây đau tai (130dB) và làm mất thính lực vĩnh viễn nếu phải nghe liên tục. Đặc biệt, loại tai nghe nhét sâu vào ống tai được xem là sản phẩm gây nguy hiểm nhất đến thính lực. Nếu nghe nhiều, màng nhĩ sẽ bị xơ hóa từ từ, đục dần và cứng, khiến cho nó không thể rung động được, từ đó, thính lực bị giảm dần. Các vấn đề suy giảm thính lực không có dấu hiệu rõ ràng trong vài năm, nhưng một khi xuất hiện sẽ không thể phục hồi được. Theo thống kê tại Mỹ, có khoảng 30 triệu người gặp những vấn đề về mất thính lực, trong đó, khoảng một phần ba bị lãng tai.
Nguyên nhân gây suy giảm thính lực khi dùng những thiết bị này là thói quen sử dụng không đúng cách của người nghe nhạc. Mở âm lượng quá to, dùng tai nghe nhét sâu hoặc nghe liên tục trong vài giờ đồng hồ khiến cơ quan thính giác bị tổn thương. Do vậy, để phòng ngừa suy giảm thính lực, chúng ta không nên nghe nhạc liên lục với âm lượng lớn hơn 90dB và không sử dụng tai nghe quá 2 giờ/ ngày. Nếu phải thường xuyên tiếp xúc với những nơi ồn ào, âm thanh lớn thì nên dùng miếng đệm tai hoặc tạo cho mình một quãng thời gian thư giãn yên tĩnh sau đó.