Trong thời kỳ thai nhi, khi cơ thể vừa được hình thành, năng lượng từ môi trường xung quanh nạp suốt đến các vùng tận cùng. Nơi đây tạo nên các vòng năng lượng xoắn ốc và rồi phát triển thành các cơ quan và chuyển dòng ra phía trước cơ thể. Đó là năng lượng hình thành hai lá phổi, tim, đại trường, và tiểu trường rồi tuôn tràn lên phía trên tạo thành hai dòng song song để về sau trở thành hai tay. Năng lượng tạo ra gan, mật, thận, bàng quang, dạ dày, lá lách và tụy tạng thì tuôn xuống bên dưới, cũng hình thành hai dòng song song để tạo thành hai chân.
Những dòng song song nói trên lại cuốn vào bên trong, tạo thành các dòng xoắn ốc súc tích. Khớp là những vùng phân chia của một quỹ đạo từ cái kế tiếp của sự hình thành các vòng xoắn ốc này. Quỹ đạo đầu tiên của vòng xoắn cánh tay, chính là nguồn gốc của cánh tay gồm có xương vai và hốc cánh tay. Quỹ đạo thứ nhì gồm vùng trải dài từ vai đến cùi chỏ. Thứ ba, vùng từ cùi chỏ đến cổ tay; thứ tư, vùng từ cổ tay đến các xương bàn tay; thứ năm, đây là vùng đầu tiên của các ngón tay; thứ sáu là vùng giữa của các ngón tay; và thứ bảy, vùng thứ ba là vùng cuối cùng của các ngón tay.
Tương tự sự phát triển như thế ở chân, bàn chân và ngón chân. Vòng xoắn ốc kiểu này chứa bảy giai đoạn hoàn thành, tương ứng với mô hình quỹ đạo của tạo hóa trong vũ trụ. Ở mọi nơi chúng ta đều thấy sự hiện diện của những vòng xoắn ốc. Từ các xoáy của dải ngân hà to lớn cho đến những hoạt động của các phần tiền nguyên tử. Thiên nhiên chỉ là những vô số vòng xoắn ốc lớn và nhỏ.
Thí dụ, trong cơ thể chúng ta các xoắn ốc của tóc chung quanh xoáy tóc, lỗ tai cũng thế, trong khi mắt là những nhóm quỹ đạo đồng tâm gồm tròng trắng, tròng đen và con ngươi, chúng giãn ra và co lại theo một hoạt động trôn ốc. Bộ vú con người là một vòng xoắn ốc và tận cùng là điểm ở tâm, núm vú. Những lớp của bộ óc cũng sắp xếp theo vòng xoắn chung quanh trung tâm não. Những vòng xoắn ốc khác thì không nhìn được bằng mắt thường nhưng có thể thấy qua kính hiển vi. Đó là những hình cuộn ngoằn ngoèo của DNA được tìm thấy trong nhân tế bào.
Khoa học đang bắt đầu công nhận mô hình này của vũ trụ qua đoạn trích dẫn sau đây:
THẢO LUẬN KHOA HỌC VỀ BÍ ẨN CỦA VÒNG XOẮN ỐC
DNA, phân tử chủ yếu của sự sống, là một cấu trúc xoắn ốc chứa những đặc tính di truyền, nó quyết định tất cả từ màu của mắt cho đến hình dáng của một chiếc lá. Trên một tầng rộng hơn, vòng xoắn ốc là hình dạng của những cơn xoáy lốc và những cơn bão.
Các khoa học gia, chú ý những thiên hà thật ra chỉ là những vòng xoắn ốc to lớn, hình thái này không phải cấu thành do sự ngẫu nhiên mà được hợp thành do những lực điện từ va đập vật chất vũ trụ với nhau ở một phạm vi rộng lớn hơn hết. Nhà vật lý học Anthony Peratt nói: “những vòng xoáy” rất là quan trọng trong thiên nhiên từ những vật nhỏ nhất chỉ có thể hình dung được cho đến cái lớn nhất. Nước chảy vào chậu tắm cũng hình thành nên vòng xoắn. Những vòng xoắn ốc là những cấu trúc được nhìn thấy khắp mọi nơi”.
Như chúng ta thấy, tay và chân được hình thành do những vòng xoắn năng lượng. Giờ đây chúng ta thử xem các đường kinh mạch được hình thành thế nào trong vòng xoắn ốc, và mô hình này liên quan thế nào đến các khớp. Chúng ta lấy “kinh tâm” là ví dụ điển hình.
Kinh tâm bắt đầu từ vùng của luân xa tim. Trên thực tế, nó nối với các đốt của cột sống phía sau luân xa. Nơi đây năng lượng môi trường liên kết với “Kinh tâm” xuyên vào cơ thể trong thời kỳ thai nhi. Điểm khởi đầu đó của kinh mạch là một chỗ nối. Từ đó, kinh mạch phân chia theo như sau:
1. Từ luân xa tim tiếp tục đi đến vai. Tại vai có một khớp nối.
2. Từ vai, nó chạy xuống tay đến khuỷu tay và phát triển một khớp khác.
3. Từ khuỷu tay, đường kinh mạch tiếp tục xuống tay trước đến cổ tay làm thành một khớp nữa: Khớp xương cổ tay.
4. Từ cổ tay tiếp tục đến chỗ xương bàn tay, nền của ngón út, thêm một khớp được hình thành.
5. Từ chỗ xương nền ngón tay út tiếp tục đi lên khớp đầu tiên của ngón út, tạo thành một khớp nữa.
6. Đường kinh mạch lại tiếp tục từ khớp nối thứ nhì của ngón tay út, lại một phần nữa, một khớp nữa.
7. Cuối cùng đường kinh mạch đến đầu mút ngón tay út.
Kinh tâm chia làm bảy phần, gần như là toàn bộ ở cánh tay. Vòng xoắn ốc này bắt đầu từ vòng lớn nhất gốc ở trung tâm cơ thể và tiếp tục nhỏ lần vào, cuối cùng là vòng nhỏ nhất, ở mút ngón tay.
Vòng xoắn kinh mạch bắt đầu từ một khớp nối- đốt cột sống- và mỗi khi thay đổi thành một vòng nhỏ hơn thì nơi đó cũng là một khớp nối. Khi vòng xoắn kinh mạch đổi từ vòng này qua vòng kế tiếp, các điểm được nạp năng lượng cao nhất phát triển và hình thành các khớp. Những đường kinh mạch khác bao gồm dòng đi xuống chân và bàn chân cũng có một mô hình tổng quát giống như vậy.
Thử hỏi trong thiên nhiên có một cấu trúc nào khác cũng cùng một mô hình như trên không? Từ khi trật tự của vũ trụ thể hiện trong tất cả mọi vật, chúng ta có thể tìm thấy các khuôn mẫu tương tự ở khắp mọi nơi. Thực vật chẳng hạn, cũng một khuôn mẫu y hệt lúc phát triển như cấu trúc để lộ ra của cây. Mỗi chỗ nối liền của nhánh cây cũng tương tự như các khớp của cơ thể con người. Tuy nhiên ở cây nơi phân chi thì chắc và cứng, trong khi ở con người các khớp lại mềm dẻo và cử động được. Hơn thế nữa, rễ cây cắm sâu vào lòng đất, và do đó thực vật nhận năng lượng lớn từ đất, trong khi rễ của hệ thống khớp nối con người xương sống lại nhận năng lượng mạnh từ trời. Sự khác biệt này phản ánh sự bổ sung cho nhau giữa thực vật và động vật.
ẫu mực năng lượng trong bệnh viêm khớp : Vậy chúng ta có thể dùng sự hiểu biết nói trên để áp dụng chữa trị bệnh viêm khớp như thế nào? Cơ bản của bệnh viêm khớp là ở các khớp nối nằm khắp các vùng của cơ thể. Viêm khớp chỉ cho thấy là dòng năng lượng qua các kinh mạch đã bị mất quân bình và ở các phần khác của cơ thể cũng thế, đặc biêt nơi các cơ quan nội tạng cũng bị ảnh hưởng. Như trên chúng ta đã thấy, các khớp là những vùng phân chi của những quỹ đạo vòng xoắn ốc của tay và chân. Chúng nó là những nơi tập trung năng lượng. Bình thường mỗi khớp có khả năng hoạt động rất rộng. Những hoạt động của khớp có thể chia thành những giai đoạn cơ bản tương ứng với các vòng năng lượng:
1. Cử động hướng lên: như khi các khớp duỗi kéo lên, kéo ra.
2. Cử động giãn ra: như khi các khớp co, giãn thể hiện ở những khớp lúc hoạt động mãnh liệt.
3. Cử động đi xuống: khi các khớp trở về tư thế cân bằng sau thời gian nỗ lực hoạt động.
4. Cử động thử sức: dùng chịu đựng sức nặng hoặc đẩy một vật nặng.
5. Cử động lơ lửng, nổi lềnh bềnh: có trong các hoạt động mềm dẻo, thoải mái.
Tất cả các khớp trong cơ thể có đủ năm khả năng nói trên. Các khớp ở ngoại vi cơ thể, như các ngón tay rất dẻo dai và có các cử động tế nhị, trong khi các khớp ở phần dưới và ở trung tâm của cơ thể thì có khả năng chịu được sức nặng và những hoạt động tổng quát.
Trong bệnh viêm khớp, các khớp mất đi sự uyển chuyển tự nhiên, và phạm vi hoạt động bị hạn hẹp. Sự cứng nhắc, khô chặt chứng tỏ các dòng năng lượng dọc theo kinh mạch bị nút chặt hoặc đã ứ đọng lại.
Lý do thông thường gây nên tình trạng này là đã ăn quá nhiều thực phẩm có năng lượng dương tính, thu súc quá mạnh, như thịt, gia cầm, phó mát cứng, trứng, muối và các sản phẩm bánh nướng cứng. Do vậy, các gân và dây chằng trở nên cứng nhắc, năng lượng không thể chảy êm ả qua các khớp được.Viêm và sưng đỏ cho thấy năng lượng trong cái kinh mạch đã quá tải và tụ lại ngay ở các khớp. Việc dùng quá nhiều đường, trái cây nhiệt đới và rau củ, sôcôla và các thực phẩm khác có năng lượng giản nỡ, cũng như dùng quá nhiều mỡ và chất lỏng có thể tạo ra tình trạng này. Các sợi gân và dây chằng sưng lên, đau nhức khớp, phạm vi cử động giảm và không còn khả năng mang nặng nữa.
Sự quan hệ giữa các kinh mạch, ngón tay và ngón nhân : Vị trí rối loạn tương ứng với hệ thống năng lượng của cơ thể bị ảnh hưởng. Mỗi một ngón tay, ngón chân liên quan đến một kinh mạch và cơ quan riêng biệt. Cổ tay, khuỷu tay, vai, đầu gối và mắt cá chân cũng có kinh mạch và cơ quan liên đới với nó. (Xem biểu đồ trên). Tuy nhiên nên nhớ là ngón giữa và ngón út lại liên hệ đến những đường kinh mạch trực tiếp phát xuất từ những luân xa đặc biệt ở tim, dạ dày, ruột non hơn là từ những cơ quan khác.
Những kinh mạch này các y sĩ Đông phương gọi là kinh quyết âm tâm bào lạc và kinh tam tiêu. Hai kinh này điều hòa toàn bộ chức năng của cơ thể như sự tuần hoàn máu và chất dịch của cơ thể. (Kinh quyết âm tâm bào lạc), nó còn tạo nhiệt và năng lượng biếu dưỡng (Kinh tam tiêu).
Phòng chữa bệnh viêm khớp thực dưỡng, Michio Kushi