Muối vừng là loại gia vị gần như không thể thiếu khi ăn kèm với cơm lứt. Nếu bạn có thể tự tay làm được một lọ muối vừng hoàn chỉnh thì bạn đã có thể làm vừa lòng người thân và thực khách. Tôi đã được học điều này từ những người thầy đáng quý của mình từ Nhật sang. Sau khi đích thân hướng dẫn và nấu cho chúng tôi ăn trong khóa học 7 ngày đó, thầy đã nói với chúng tôi rằng khi bạn nấu được cơm gạo lứt, làm được muối vừng và nấu được trà bancha bạn đã tốt nghiệp lớp thực dưỡng căn bản rồi đó.
Chưa có ai nói với tôi về điều đơn giản nhưng tinh tế như vậy. Thế nên điều đầu tiên tôi ấp ủ vẫn là làm thế nào để có thể giới thiệu với các bạn món muối vừng Gomashio làm theo kiểu thực dưỡng. Thực sự cách làm sẽ khác một chút với cách bạn làm thông thường. Bạn sẽ à lên một cách khoái chí khi tự tay mình làm xong món muối vừng thơm lừng và cho vào lọ. Nào chúng ta cùng bắt tay vào thực hiện nhé.
Bước 1: Chọn tỷ lệ muối và vừng phù hợp với gia đình mình, tỷ lệ bình thường mà tôi được học là 9 vừng : 1 muối. Bạn có thể có tỷ lệ khác tùy theo sức khỏe, thể trạng...
Đong lượng vừng và muối. Xếp 9 thìa vừng với 1 muối tương ứng cạnh nhau.
Các tỷ lệ khác vừng: muối là 16:1; 18:1; 20:1. Trẻ em và người già nên dùng tỷ lệ 20:1, 24:1 vì trẻ em và người già dương hơn nên dùng ít muối hơn những người khác.
Bước 2: Trãi vừng hạt là một cái khay. Xem có sạn hay không để nhặt bỏ đi.
Bước 3: Rửa sạch hạt vừng trong một bát nước rồi đổ vào một rá mắt lưới và đổ từ từ. Đừng làm nhanh vì hạt vừng rất dễ hút nước.
Bước 4: Đặt 1 miếng vải (tôi thấy cô giáo để 1 miếng mút như là cái mút rửa bát) để có thể vắt dưới rá để hút nước thừa. Để nó tự nhiên, thỉnh thoảng lại vắt giẻ để kiểm tra.
Bước 5: Rang muối trong một chảo nặng (chỉ cần không phải bằng thép là được), trước tiên giữ mức lửa vừa phải. Dùng cái xẻng gỗ để làm vỡ muối vón cục. Khi không còn vón cục thì giảm lửa nhỏ rồi khuấy.
Bước 6: Khi màu của muối chuyển sang màu trắng xám nhất, cho muối vào cối nghiền vừng. Người Nhật gọi là Suribachi (mình có thể dùng cối gỗ hoặc cối sành, nếu có có các khía chứ không phải loại bằng phẳng, nhẵn mịn). Dùng chày gỗ giã muối thành bột mịn (mịn như bột mì). Lúc này có thể giã mạnh tay một chút.
Bước 7 Cho 1/3 lượng vừng vào chảo, rang qua lửa vừa phải và phút đầu để làm khô vừng. Sau đó giảm lửa vừa và tiếp tục rang. Tay phải dùng xẻng gỗ để khuấy, tay trái lắc chảo để hâm nóng đều vừng.
Bước 8: Khi hạt vừng trở nên tròn và thơm, thử bằng cách dùng ngón cái và ngón trỏ bóp nhẹ nhàng mà không dùng lực xem hạt có vỡ không. Nếu được rồi thì tắt bếp. Rang phần vừng còn lại như các bước kể trên.
Bước 9 Cho tất cả hạt vừng vào cối nghiền vừng khi lớp muối vẫn ở dưới đáy của cối.
Bước 10: Dùng trọng lực của chày gỗ để nghiền hỗn hợp vừng muối đã trộn theo vòng tròn đều đặn. Nghiền vừng nhẹ nhàng mà không dùng lực. Cách làm này không dùng cách giã vừng như thông thường.
Bước 11: Khi 70-80% hạt đã vỡ, để nó nguội rồi đựng vào hộp
Muối vừng chỉ nên dùng từ 3-5 ngày để có hương vị ngon nhất. Để lâu hơn vừng sẽ bị chảy dầu và bị ướt, như vậy lúc kết hợp với các món ăn sẽ không ngon.
Nghiền muối vừng khác hẳn cách làm thông thường của chúng ta là giã vừng rồi mới trộn muối. Ưu điểm của muối vừng Gomashio là sự tinh tế trong Dương ngoài Âm.Vì muối là Dương nó được bọc vào bên trong hạt vừng (Âm) bao bên ngoài, cho nên khi ăn hương vị hòa quyện này sẽ đỡ làm bạn sốc hoặc mùi vị nó sẽ mặn dịu dàng hơn. Ngoài ra vì không dùng lực nhiều nên hạt vừng chỉ đơn giãn là vỡ ra, năng lượng vẫn còn ở bên trong chứ không tán ra ngoài khi khi chúng ta giã vừng. Đấy là nguyên nhân khiến những người ăn thực dưỡng nên tự mình nghiền lấy lọ vừng để dùng trong bữa ăn hàng ngày.
Các bạn hãy thử làm và cảm nhận nhé. Cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc hết bài viết này.
Như Châu