George Ohsawa tên thật là Sakurazama Nyoichi (ghi theo Tiếng TQ là An Trạch Như Nhất), sinh ngày 18-10-1893 trước đền Thiên Long (Tenryu) tại Kinh Đông (Kyoto), Kinh đô cũ của Nhật, khi thân mẫu của ông vừa tròn 20 tuổi, lúc đó đang đi hành hương (thời kì Minh Trị Thiên Hoàng năm 26). Năm 1902, khi ông được 9 tuổi thì thân mẫu ông qua đời, vì bệnh lao phổi. Cha ông đã bỏ đi lúc ông lên 5 tuổi, các chị và em trai đều qua đời vì bệnh tật. Năm 16 tuổi tiên sinh bị bệnh lao phổi như mẹ, năm 18 tuổi bị thổ huyết nặng 3 lần, các bác sĩ tây y đều bó tay không có cách nào chữa được.
Năm 1912, lúc 19 tuổi tiên sinh đã tự chữa lành bệnh theo phương pháp thực dưỡng do thầy của ông là Ishizuka Sagen truyền dạy.Sagen cho rằng một trong những yếu tố gây bệnh đều do ăn uống sai lầm mà ra. Ông định nghĩa chữ Thực dưỡng là làm cho con người từ vật chất đến sức lực đều toàn hảo, dưỡng là biết cách làm đúng phép, biết cách dưỡng sinh đúng. Tiếng Anh thì dùng từ Macrobiotic (Tiếng Pháp là Macrobioticque), Macrobiotic có gốc là chữ Hy Lạp, Macro = lớn, bios = đời sống, có nghĩa kỹ thuật trường sinh. Ông Sagen xuất bản 2 tác phẩm là “Thọ mệnh luận” và “ Hóa học đích Thực dưỡng trường thọ luận” (1896). Kết thúc bằng 23 tác phẩm căn cứ sự nghiên cứu của ông vào Y học Đông phương mà căn bản là lý thuyết Âm Dương. Năm 1900 ông Sagen từ trần.
Tháng 4 năm 1927, George Ohsawa được cử làm trưởng hội Thực dưỡng, gánh vác công việc diễn giảng và viết báo. Ông là chủ bút tờ “Thực dưỡng” (Shokuya). Năm 1928, Tiên sinh tổ chức trại hè trường sinh đầu tiên ở Hokkaido (Nhật) và cho xuất bản 2 tác phẩm “Luận về việc trường sinh” và “Cuộc đời Sagen Ishizuka). Năm 1929, Ohsawa đi theo tuyến đường sắt Tây Bá Lợi Á sang Paris (Pháp). Năm 1930, dù phải sống khốn khổ ở Paris, tiên sinh vẫn theo học trường đại học Sorbonne. Tiên sinh dạy y học Đông phương, thuật châm cứu, nghệ thuật cắm hoa, nhu đạo và thơ Haiku cho người Pháp khi mà lúc đó họ chưa hiểu gì về văn hóa Nhật Bản..
Năm 1937, Ohsawa được cử làm Chủ tịch hội thực dưỡng ở Nhật và xuất bản cuốn “Tân thực dưỡng liệu pháp” (tiếng Anh nhan đề Zen Macrobiotic). Cuốn này bán hàng triệu cuốn và in gần 700 lần bằng Nhật ngữ. Cũng năm đó, Ohsawa phiên dịch cuốn “Con người, cái chưa biết” của Alexis Carrel.
Năm 1939, Tiên sinh xuất bản cuốn “Tạo nên những kẻ thù phương Tây” có quan điểm chính trị đả kích chủ nghĩa quân phiệt dữ dội và rời khỏi hội Thực dưỡng. Cuốn này bị chính phủ Nhật tịch thu. Năm 1940, ông sáng lập Viện “Vô song nguyên lý” tại Ohisu (Kyoto) giảng dạy về Dịch lý Âm Dương thiên về triết học.
Năm 1941, ông ấn hành cuốn “Thế giới khang kiện chiến tuyến”, trong đó Tiên sinh tiên đoán các nhà lãnh đạo Nhật sẽ làm cho nước Nhật bại, lời tiên đoán đó thành sự thật.
Năm 1942, ông ấn hành cuốn “Phương pháp Tân dưỡng sinh” bằng Nhật ngữ và nhiều tác phẩm khác trong đó có cuốn “Nhu đạo” (Le livre de Judo). Năm 1945 ông bị bắt và bị chính phủ Nhật giam ở hầm sâu lạnh -20OC. Sau 3 tháng bị hành hạ, ông hoàn toàn bị kiệt quệ, nhãn lực mất 80%, gần chết. Nhờ phương pháp dưỡng sinh tự chữa mà mắt ông sáng lại.
Năm 1947, ông gia nhập “Liên bang thế giới” (United World Federalist Organization) va viết cuốn “Dưỡng sinh trong đời sống hằng ngày” bằng Nhật ngữ. Năm 1967, được dịch sang Anh ngữ.
Năm 1950, ông sáng lập Nhà nghiên cứu trường sinh – gọi là Ignoranus ở Tokyo. Trong năm này, ông dịch cuốn “Đông Tây gặp gỡ” của PSC Northrop và xuất bản.
Năm 1952 ấn hành cuốn “Cuộc đời của Benjamin Franklin”.
Năm 1953 tiên sinh rời Nhật sang Ấn Độ và quyết tâm truyền bá phương pháp dưỡng sinh tại đây.
Năm 1954, ông thành lập “Trung tâm văn hóa Ấn – Nhật” ở Ấn Độ. Tháng 6 năm 1955 ông đi Phi châu. Ngày 29-10 ông đến Lambaréné (Congo thuộc Bỉ), khởi sự truyền bá phương pháp dưỡng sinh cho dân ở đây. Năm 1956, Tiên sinh bắt đầu mắc bệnh ung thư nhiệt đới, một chứng bệnh nan y. Thế mà chỉ 10 ngày áp dụng phương pháp tiết thực, tiên sinh đã hoàn toàn lành bệnh. Tiên sinh đã khuyên bác sĩ Schweltzer – một bác sĩ nổi tiếng trên thế giới, dùng phương pháp dưỡng sinh để chữa trị cho các bệnh nhân của ông ấy nhưng ông ấy từ chối nên tiên sinh lại ra đi.
Ngày 29 tháng 2, tiên sinh lại đến Paris và diễn thuyết ở nhiều nước như: Bỉ, Thụy Sĩ, Đức, Thụy Điển, Anh…Một hãng sản xuất món ăn trường sinh lấy tên là Lima được lập ra tại Bỉ và những cửa hàng cùng tiệm ăn trường sinh mọc lên khắp Châu Âu. Cũng trong năm đó ông xuất bản cuốn sách Pháp văn “La philosophie de la me1decine d’Extremo orient”. Cuốn sách này được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Năm 1957 ông cho ra mắt tạp chí “Yin Yang” (Âm Dương) bằng Pháp ngữ tại Paris.
Năm 1958, một doanh nhân Đức, đã nghe các bài diễn thuyết của Ohsawa, nhanh chóng đăng ký từ “Shoyu” (nước tương đậu nành thiên nhiên) làm nhãn hiệu riêng. Nên phong trào Thực Dưỡng bắt buộc tìm một từ khác thay thế. “Tamari” được lựa chọn (Lima Ohsawa 1983).
Năm 1959 tiên sinh sang viếng Hoa Kỳ lần đầu tiên. Năm 1960, tại New York tiên sinh cho quay Ronéo quyển “Zen Macrobiotic” bằng tiếng Anh, dùng làm sách để dạy học trò và dạy cho người Mỹ trong 10 ngày tại Phật học N.Y.C và tiếp tục trong tháng hai và tháng ba. Tháng ba tiên sinh trở về Châu Âu rồi lại trở lại Mỹ để tổ chức trại hè trường sinh lần đầu tiên tại Long Island (tại NY) trong tháng bảy và tháng tám và diển thuyết suốt 2 tháng tại trại hè. Tạp chí Mỹ đầu tiên “Macrobiotics News” ra đời (do cơ sở trường G. Ohsawa tại San Francisco ấn hành).
Năm 1961, quyển Phương Pháp TRƯỜNG SINH VÀ ĐẠO THIỀN (Le Zen Macrobiotique) xuất bản ở Pháp.
Năm 1962, Ohsawa biết tác phẩm chưa xuất bản của Louis Kervran về sự chuyển hóa sinh học. Hai năm sau Ohsawa tuyên bố đã thực hiện thành công chuyển hóa Na (sodium) thành K (potassium).
Năm 1963, ông viết và cuất bản cuốn “Thời đại nguyên tử và triết lý cực đông” và qua Mỹ diễn thuyết với các bác sĩ Nhật ở Boston, New York và mở trại hè tại Chicago.
Năm 1964, quyển sách cuối cùng ở Pháp được xuất bản là BỆNH UNG THƯ VÀ NỀN TRIẾT LÝ CỰC ĐÔNG (Le cancer et la Philosophie d’Extreme Orient).
Tiên sinh vẫn tiếp tục đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới, ngày 16 tháng 5 năm 1965, các môn đệ của tiên sinh ở Việt Nam đã vô cùng hân hạnh đón tiếp tiên sinh ở Huế và Sài Gòn để tận mắt nhìn chân dung sư phụ và nghe lời giáo huấn của người, sau đó các môn đệ cùng nhau truyền bá phương pháp dưỡng sinh của ngài cho đến tận bây giờ.
Trước khi rời Việt Nam, ngài tuyên bố “Tôi đến Việt Nam lần này là đầu tiên và cũng là lần sau cùng”. Tri thiên mệnh là bậc thánh nhân.
Tiên sinh biết trước số mệnh của người khác, tất nhiên biết số mệnh của chính mình. Bởi tiên đoán này tiên sinh đã tiên đoán cách đây 10 năm về trước (1955). Cuốn “You are sampaku” (sau đó Tôn Thất Hạnh dịch “Đời người qua tướng mắt”, ấn hành năm 1974 tại Việt Nam) nói lên sự liên quan giữa thực dưỡng và cuộc đời tiên sinh cùng chỉ thị cho các môn đệ tổ chức tại Nhật “Đại hội hòa bình thế giới” tại Hiroshima, nơi bom nguyên tử đã nổ năm 1945. Song tiên sinh đã không có cơ hội gặp các môn đệ.
Ngày 24-4-1966, vào lúc 5h30 giờ địa phương tiên sinh đã từ bỏ thế giới này. Nguyên nhân cái chết của tiên sinh, theo các bác sĩ là một cơn đau tim. Bức thư của bà Lima Ohsawa – phu nhân của ngày, đăng trong tác phẩm “Zen và ý thức nói về ăn chay” của Thái Khắc Lễ thuật rõ sự ra đi này, trong đó có thuật rằng tiên sinh đang tự mình thực nghiệm một loại thức uống trường sinh nhưng có phản ứng không tốt, nhất là khi mà cơ thể ông đang bị suy nhược trầm trọng vì ông đã làm việc quá độ, chỉ ngủ 3h mỗi ngày và đang lo âu cho hòa bình của thế giới đang lâm nguy.
Tóm tắt, ông đã viết trên 300 cuốn sách Nhật văn, Pháp văn, Anh văn, đã viết và dịch hàng trăm bài báo cho ông chủ biên và diễn thuyết rất nhiều nơi trên thế giới.