Mỡ trắng - “kẻ giấu mặt” làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.
Tế bào mỡ trắng gồm một hạt mỡ bên trong chứa đầy acid béo và Glycerol (triglyceride). Trong cơ thể người có tới 10 - 30 tỷ tế bào mỡ trắng với kích thước mỗi tế bào mỡ trắng dao động từ 25 - 200 micron. Sở dĩ tế bào mỡ trắng nguy hiểm cho sức khỏe là vì chúng có khả năng tăng sinh và phát triển liên tục về kích thước. Nghiên cứu mới nhất tại Mỹ đã phát hiện, tế bào mỡ trắng có khả năng tăng lên về kích thước đến 20 lần song song với việc tăng lên về số lượng do sản sinh mới.
Các tế bào mỡ trắng giống như những “chiếc túi không đáy” chứa đầy các hạt mỡ bên trong nhưng liên tục bị nhét đầy thêm bởi các hạt mỡ mới được tạo thành trong quá trình chuyển hoá từ năng lượng dự trữ dư thừa do “nạp” thức ăn quá nhiều hàng ngày mà không được tiêu hao do thiếu vận động. Đồng thời, tế bào mỡ non liên tục phát triển thành tế bào mỡ trắng mới, “tiếp tay” cho quá trình tích lũy tế bào mỡ trắng thành các mô mỡ tại các vùng eo, bụng, đùi, đặc biệt là bám quanh nội tạng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.
Một người có trọng lượng bình thường 50-70kg khi “phát phì” có thể lên tới hơn 100kg và thậm chí là 200-400kg.
Chính bởi vậy, mỡ trắng được coi là thủ phạm gây thừa cân, béo phì. Mỡ trắng cũng là thủ phạm chính gây ra rối loạn chuyển hóa glucid, protid, lipid, tình trạng đề kháng insuline, tình trạng viêm nội mạc...và hậu quả là tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gan nhiễm mỡ, ung thư...
Giải mã sự hình thành và phát triển của tế bào mỡ trắng
Trong quá trình nghiên cứu về tế bào mỡ trắng, bằng công nghệ sinh học phân tử tế bào, các nhà khoa học ở Mỹ đã phát hiện thấy sự hiện diện của thụ thể PPARγ là yếu tố quan trọng trực tiếp tác động đến việc hình thành và tích tụ mỡ của tế bào mỡ trắng. Các thụ thể PPARγ hoạt động càng mạnh, các tế bào mỡ trắng càng được hình thành nhanh chóng và sự tích tụ mỡ càng nhiều , ngược lại nếu không có PPARγ thì sự biệt hóa tế bào mỡ không xảy ra và như vậy không tạo thành tế bào mỡ trắng mới. Đồng thời, các nhà khoa học cũng phát hiện ra một loại protein có trên bề mặt của các giọt mỡ đó là Perilipin - tác nhân ngăn cản sự ly giải mỡ của men lipase.
Các kết quả này đã mở ra một hướng điều trị thừa cân béo phì mới, đó chính là phương pháp tác động vào tận gốc 2 quá trình sinh trưởng và phát triển của tế bào mỡ trắng, hay là giảm sự tích tụ và tăng ly giải mỡ trắng.
90% nguyên nhân gây nên sự tích tụ mỡ trắng là do ngoại sinh, năng lượng đưa vào cao hơn năng lượng tiêu hao trong một thời gian dài. Do vậy, để ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của mỡ trắng, nên hạn chế tình trạng dư thừa năng lượng, hay nói cách khác là có sự cân đối về năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực và xây dựng lối sống lành mạnh. Có kế hoạch kiểm soát sự gia tăng của mỡ trắng cũng sẽ đồng thời giúp ngăn chặn các nguy cơ cho sức khỏe có thể đến từ các yếu tố ngoại sinh như dinh dưỡng, lối sống và tình trạng thừa cân, béo phì như hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam
Giảng viên Đại học y dược TPHCM