Hỏi đáp về Thiền Vipassana

Kinh nghiệm trực tiếp với thực tướng của chính bản thân nhờ quan sát chính mình là Thiền Vipassana. Vào thời Đức Phật, trong ngôn ngữ Ấn Độ: Passana là nhìn với cặp mắt mở tự nhiên; nhưng vipassana là quan sát thực thể của sự vật, không phải chỉ quan sát sự vật có vẻ như vậy. Ta phải đi sâu vào sự thật cho tới khi tìm thấy chân lý tối thượng của sự cấu tạo giữa tâm và thân. Khi bạn đã nhận được chân lý này,bạn không còn khổ sở và sẽ đạt hạnh phúc.

Khóa tu Vipassana

Lịch và địa chỉ đăng kí khóa tu Thiền Vipassana

http://ucenlist.org/lich-to-chuc-khoa-thien-dang-ky/

NỘI DUNG CHI TIẾT

Khóa tu Vipassana

http://ucenlist.org/lich-to-chuc-khoa-thien-dang-ky/

1. DO ĐÂU MÀ CÓ THIỀN VIPASSANĀ ?

Thiền Vipassanā là một loại thiền căn bản và chính yếu của Phật giáo (xuất xứ từ kinh Mahā Satipatthāna, Dīgha Nikāya).

2. VIPASSANĀ NGHĨA LÀ GÌ?

Chữ "Vipassanā" được chia làm hai phần - "Vi" là " nhiều phương diện khác nhau" có nghĩa là vi tế, tách bạch hay rõ ràng phân minh, và "Passanā" là "nhìn thấy" hay soi chiếu. Vậy "Vipassanā" - tuệ quán hay minh sát - có nghĩa là thấy được nhiều khía cạnh, nhiều thành phần khác nhau hay quán chiếu một cách vi tế, minh bạch.

Một cách rõ ràng hơn. Thiền Vipassanā là thấy sự vật qua ba đặc tính: vô thường, khổ và vô ngã.

3. THIỀN VIPASSANĀ ĐEM LẠI LỢI ÍCH GÌ CHO CHÚNG TA?

Mục tiêu tối hậu của thiền Vipassanā là loại trừ những ô nhiễm trong tâm. Trước khi đạt được mục tiêu này thiền sinh sẽ có được những lợi ích thực tại như sẽ có được một nội tâm bình an và tĩnh lặng, đủ khả năng để đón nhận những gì xảy đến với mình. Thiền Vipassanā giúp chúng ta nhìn thấy sự vật đúng thực tánh của chúng chứ không phải thấy chúng qua những biểu hiện bên ngoài. Sự vật xuất hiện trong mắt chúng ta dưới trạng thái trường tồn, vững bền, đáng yêu và có thực chất, nhưng thực tế thì chúng không phải như vậy. Khi thực hành thiền Vipassanā bạn sẽ chính mình thấy được sự sinh và diệt của hiện tượng vật chất và tinh thần. Đồng thời bạn cũng có ý thức được một cách rõ ràng hơn những diễn biến trong thân và tâm bạn. Bạn sẽ có đủ khả năng đón nhận mọi chuyện xảy đến với bạn với tư thái an nhiên chứ không bị xao động hay xúc cảm và đối diện với hoàn cảnh một cách lạc quan hơn.

4. NHỮNG NGƯỜI NÀO CẦN PHẢI THỰC HÀNH THIỀN VIPASSANĀ?

Thiền Vipassanā là phương thuốc để chữa trị các chứng bệnh của tâm, những bệnh nằm dưới dạng thức của phiền não như: tham, sân, si...Hầu như chúng ta lúc nào cũng mang những tâm bệnh này vì vậy ít nhiều chúng ta cũng phải cần đến thiền Vipassanā.

5. KHI NÀO CẦN PHẢI THỰC HIỆN THIỀN VIPASSANĀ?

Vì phiền não luôn luôn bám dính với chúng ta nên lúc nào chúng ta cũng phải thực hành thiền Vipassanā. Sáng, trưa, chiều trước khi đi ngủ hay trong những lúc làm việc, nói chuyện, rửa chén... .đều là cơ hội để hành thiền. Và mọi lứa tuổi có thể thực hành thiền Vipassanā.

6. PHẢI CHĂNG CHỈ CÓ PHẬT TỬ MỚI THỰC HÀNH VIPASSANĀ ĐƯỢC?

Không có yếu tố tôn giáo trong thiền Vipassanā. Vì vậy mọi người dẫu theo tôn giáo nào cũng có thể thực hành thiền Vipassanā. Thiền Vipassanā là sự theo dõi và quan sát chính bản thân mình một cách khoa học. Bạn chỉ cần chú tâm quan sát những diễn biến của thân tâm bạn trong khoảnh khắc hiện tại mà thôi.

7. THIỀN VIPASSANĀ CÓ KHÓ THỰC HÀNH KHÔNG?

Cũng khó mà cũng dễ. Thiền Vipassanā nhằm thấy rõ tâm, mà tâm thì luôn luôn biến động. Khi hành thiền chính bạn sẽ thấy tâm mình. Việc hành thiền không phải dễ, bởi vì khó thấy rõ tâm và khó chú tâm trên đối tượng hiện quán.

Mặt khác, thiền Vipassanā cũng rất dễ thực hành vì không cần phải sửa soạn lễ nghi công phu hay học hỏi nhiều mới có thể thực hành. Bạn chỉ cần theo dõi chính mình và chú tâm vào đối tượng thiền là được.

8. THỰC HÀNH THIỀN VIPASSANĀ CÓ ĐÒI HỎI ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT GÌ KHÔNG?

Bạn cần phải thực sự muốn thực hành và sẵn sàng tuân theo lời chỉ dẫn một cách chặt chẽ. Bởi cũng cần phải tin tưởng vào việc hành thiền, tin tưởng thiền sư, có một tâm hồn cởi mở để thực hành thiền và thấy được những gì mà thiền sư có thể đem lại cho bạn. Đức tính kiên nhẫn cũng rất quan trọng. Khi hành thiền bạn phải kiên trì để đương đầu với nhiều thứ. Sẽ có phóng tâm, có cảm giác khó chịu trên thân thể và bạn sẽ đương đầu với cái tâm của bạn. Bạn phải kiên trì và cương quyết theo đuổi việc hành thiền đến cùng mỗi khi sự phóng tâm đến quấy nhiễu khiến bạn không thể chú tâm vào đề mục được. Một điều rất quan trọng cần nhớ là bạn phải giữ giới luật thật trong sạch, vì nếu giới không trong sạch thì không thể nào đạt được sự chú tâm hay có được sự bình an của tâm hồn.

Khi làm điều gì thì sau đó bạn sẽ suy tư về điều mình đã làm nhiều lần, nhất là lúc bạn đang hành thiền. Đó là một trở ngại lớn lao khiến bạn khó đạt được sự an trú tâm. Vì vậy khi giữ giới luật trong sạch bạn sẽ không còn băn khăn, thắc mắc hay ăn năn về những việc mình đã làm, tâm hồn của bạn sẽ an nhiên thư thái. Yếu tố này giúp bạn đạt được hiệu quả cao trong lúc hành thiên.

9. CẦN PHẢI CÓ NHỮNG DỤNG CỤ GÌ ĐỂ HÀNH THIỀN VIPASSANĀ?

Thực ra bạn chẳng phải có dụng cụ gì cả. Những thứ bạn cần chỉ là một chỗ thuận tiện để bạn có thể ngồi nhắm mắt và chú tâm vào đề mục. Nói như thế không có nghĩa là bạn không dùng gối, đòn ngồi, ghế hay những dụng cụ khác trong lúc hành thiền vì lúc thiền bạn cũng cần phải có một vài sự thoải mái tối thiểu nào đó. Nếu bạn không muốn đau đớn khó chịu trong lúc hành thiền thì bạn cũng không nên tạo cho mình quá thoải mái. Vì khi thoải mái quá thì sự lười biếng, thụ động sẽ phát sinh dẫn đến buồn ngủ.

10. PHẢI GIỮ TƯ THẾ NÀO KHI HÀNH THIỀN VIPASSANĀ?

Ở tư thế nào cũng được. Đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể thực hành thiền Vipassanā, miễn sao bạn tỉnh thức là được.

11. LÚC HÀNH THIỀN CÓ NHẤT THIẾT PHẢI NGỒI XẾP BẰNG KHÔNG?

Mặc dầu theo thói quen hay theo truyền thống lúc hành thiền, thiền sinh ngồi xếp bằng trên sàn, nhưng không nhất thiết phải thế. Bạn có thể ngồi cách nào mà bạn cảm thấy có thể giúp bạn ngồi lâu và thoải mái là được. Điều quan trọng trong thiền Vipassanā là sự tỉnh thức chứ không phải là ở tư thế.

12. CÓ PHẢI NHẮM MẮT TRONG LÚC THIỀN KHÔNG?

Nhắm mắt được thì tốt nhưng bạn có thể mở mắt nếu bạn thích. Cách nào bạn thấy ít bị phóng tâm là được. Nhưng nếu trong lúc mở mắt bạn chợt để ý nhìn vật gì thì bạn phải biết rằng mình đang "thấy" và nhận rõ nó, điều thiết yếu là đạt được sự chú tâm chứ việc nhắm hay mở mắt lúc hành thiền không quan trọng.

13. LÚC HÀNH THIỀN TAY NÊN ĐỂ NHƯ THẾ NÀO?

Không có một luật lệ bó buộc nào về việc để tay trong lúc hành thiền Vipassanā. Tay bạn đặt như thế nào cũng được. Thường người ta hay ngồi xếp bằng đặt tay này lên tay kia để trước bụng, trên hai đùi, bạn cũng có thể đặt hai tay bạn lên đầu gối nếu bạn muốn.

14. THỜI GIAN HÀNH THIỀN KÉO DÀI BAO LÂU?

Điều đó tuy thuộc vào khả năng mỗi người. Không có quy tắc bó buộc nào. Ngồi được một giờ thì thật tốt, nhưng lúc nào bạn chưa thể ngồi được một giờ bạn hãy ngồi chừng 15 hay 30 phút rồi dần dần kéo dài thời gian ngồi thiền cho đến khi bạn có thể ngồi lâu hơn. Nếu bạn có thể ngồi trên một tiếng đồng hồ mà vẫn thấy thoải mái thì bạn vẫn có thể ngồi được hai hay ba tiếng đồng hồ.

15. CÓ THỂ THỰC HÀNH THIỀN VIPASSANĀ HÀNG NGÀY KHÔNG?

Mỗi ngày chúng ta đều phải ăn để nuôi dưỡng cơ thể. Tại sao chúng ta không dành một ít thì giờ trong ngày để thanh lọc tâm vì phiền não luôn bám sát ta như bóng với hình. Mỗi sáng nên dành một khoảng thời gian để ngồi thiền vì lúc ban sáng thân và tâm bạn đã được an nghỉ, bạn không còn phải lo lắng băn khoăn về những việc đã xảy ra trong ngày trước. Thiền vào buổi tối trước khi đi ngủ cũng tốt. Nhưng lúc nào bạn cũng có thể hành thiền được cả. Nếu bạn tạo được thói quen hành thiền mỗi ngày bạn sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp và lợi ích hơn.

16. HÀNH THIỀN VIPASSANĀ CÓ CẦN PHẢI CÓ THIỀN SƯ KHÔNG?

Điều này rất quan trọng. Bất kỳ học một môn học mới nào cũng cần phải có thầy chỉ dạy. Nhờ những lời chỉ dẫn của thầy bạn có thể đạt kết quả nhanh và đi đúng đường. Bạn cần một vị thầy có đủ tư cách để hướng dẫn cho bạn, vì thầy sẽ giúp bạn điều chỉnh những sai lầm và hướng dẫn bạn lúc bạn gặp phải những trở ngại trong lúc hành thiền. Nhiều thiền sinh nghĩ rằng mình đã tiến triển trong thiền nhưng thực ra họ chưa đạt được chút tiến bộ nào; lại cũng có nhiều thiền sinh nghĩ rằng việc hành thiền của mình không có kết quả, không có chút tiến bộ nào trong khi đó thì họ tiến triển rất nhiều. Chỉ có vị thiền sư mới có thể biết được mức độ tiến bộ của bạn để điều chỉnh và hướng dẫn bạn trong những lúc cần thiết. Nếu bạn không tìm ra thiền sư bạn có thể nhờ vào sách. Nhưng không một cuốn sách nào có thể hoàn toàn thay thế cho một vị thầy. Bạn có thể đạt được một số tiến bộ khi đọc kỹ lời chỉ dẫn và thực hành đúng theo những điều hướng dẫn trong sách, nhưng bạn phải cần thường xuyên trao đổi ý kiến và thảo luận với thầy nữa, mới có thể đạt được thành quả khả quan.

17. CÓ THỂ ÁP DỤNG THIỀN VIPASSANĀ VÀO ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY KHÔNG?

Bạn có thể "tỉnh thức" trong mọi tác động bạn đang làm. Bất kỳ bạn đang làm việc, đang đi, đang nói...bạn đều có thể thiền. Mặc dầu mức độ tỉnh thức trong lúc hoạt động không mạnh bằng lúc ngồi thiền hay đang theo một khoá thiền tập nhiều ngày, nhưng nói chung trong lúc hoạt động bạn vẫn tỉnh thức được. Áp dụng thiền Vipassanā vào đời sống bạn có thể ứng phó với chính bạn một cách có hiệu quả.

18. THẾ NÀO LÀ MỘT KHOÁ THIỀN TẬP?

Khoá thiền tập giúp cơ hội cho bạn được thực tập thiền một cách tích cực và nỗ lực hơn nhờ sự hỗ trợ của hoàn cảnh chung quanh và sự hướng dẫn của vị thiền sư kinh nghiệm.

Mọi việc bạn làm trong khoá thiền tập đều là đề mục hành thiền.

19. KHOÁ THIỀN TẬP TỔ CHỨC RA SAO?

Ngày thiền tập bạn sẽ thực hành thiền Vipassanā liên tục, hết ngồi lại đi, hết đi lại ngồi...thiền tọa và thiền hành cứ xen kẽ liên tục như thế. Vào buổi tối sẽ được nghe giảng pháp và trình pháp với thầy. Nhờ ở sự "tỉnh thức" trong mọi hoạt động trong ngày mà việc thực tập thiền quán được liên tục tiến triển. Thời gian thiền tập có thể kéo dài một ngày, hai ngày cuối tuần, một tuần hay lâu hơn.

20. TẠI SAO PHẢI THAM DỰ KHOÁ THIỀN TẬP?

Nỗ lực tinh tấn thực hành thiền liên tục trong khoá thiền tập khiến tâm bạn được an trú, tĩnh lặng và trong sáng. Vì sự chú tâm rất cần cho trí tuệ phát sinh nên khoá thiền tập là cơ hội tốt nhất giúp bạn tự thân thấy được thực tánh của pháp.

CẦU MONG TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐỀU AN VUI HẠNH PHÚC.

Phần Phụ Lục do Sư Khánh Hỷ (Trần Minh Tài) sưu tập để đáp ứng nhu cầu hành thiền mà hiện nay đông đảo Phật tử đang quan tâm. Phần này gồm hai cuộc phỏng vấn nhị vị thiền sư nổi tiếng ở Sri Lanka và Myanmar, cùng một số bài tập cơ bản về thiền Vipassanā theo trường phái của Ngài Thiền sư Mahāsi lừng danh ở Miến Điện.

Tác giả: Thiền sư U. SILANANDA
Dịch thuật: TRẦN MINH TÀI và LƯU BÌNH

 

Khóa tu Vipassana

Lịch và địa chỉ đăng kí khóa tu Thiền Vipassana

http://ucenlist.org/lich-to-chuc-khoa-thien-dang-ky/

Hỗ trợ nhanh
HN 0988 33 70 89
HCM1 0975 936 397
HCM2 0166 296 3507
0243 8543 644
8h - 21h tất cả các ngày
Thực dưỡng là gì
Như Châu
Thực tức là thật là đúng, dưỡng là chăm sóc. Thực dưỡng là chăm sóc đúng cách không làm bừa, chăm sóc thật sự chứ không qua loa.

 
Bài viết mới
Nhiều người xem
Gạo lứt đỏ tươi
59.805 người đã xem
Vừng rang sẵn
24.183 người đã xem
Tình yêu, tự do, một mình
5.430 người đã xem