Thế nào là dị ứng thức ăn?
Dị ứng thức ăn là một phản ứng không bình thường với thức ăn, gây ra bởi hệ miễn dịch của cơ thể. Theo TS. Lê Minh Hương, Trưởng khoa Dị ứng - Miễn dịch - Khớp (Bệnh viện Nhi Trung Ương): Dị ứng thức ăn có tỷ lệ mắc cao ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới ba tuổi. Những thực phẩm gây nên dị ứng thường hay gặp nhất là trứng gà, sữa bò, sữa đậu nành, các loại hạt, cá, hải sản... do các thực phẩm này có tính dị nguyên cao. Dị nguyên thức ăn là các glycoprotein có trọng lượng phân tử từ 7 – 10 kD. Ngoài những đặc tính vốn có của thực phẩm thì quá trình chế biến, bảo quản cũng là những yếu tố gây nên dị nguyên thức ăn. Những người có cơ địa mẫn cảm hoặc hệ miễn dịch kém là đối tượng dễ bị dị ứng do dị nguyên thực phẩm.
Các bác sỹ giải thích, trẻ em có hệ miễn dịch và đường ruột còn non yếu, tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa cao, nếu tiếp xúc với những thức ăn có tính dị nguyên cao thì dễ phát triển thành dị ứng. Thông thường, dị ứng thức ăn gây nên các biểu hiện ở da như ban đỏ, viêm da, mề đay, chàm , đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Một số trường hơp nặng, dị ứng thức ăn có thể gây kịch phát cơn hen phế quản hoặc gây sốc phản vệ, nguy cơ tử vong rất cao.
Dị ứng thức ăn có các triệu chứng gì?
Nếu con bạn bị dị ứng thức ăn, bạn sẽ thấy ngay các triệu chứng sau đây xuất hiện trong vài phút hoặc vài giây:
• Ho
• Họng và lưỡi bị khô và ngứa
• Da bị ngứa và nổi mẩn đỏ
• Buồn nôn và bị phù
• Tiêu chảy và/hoặc ói
• Thở khò khè, hơi thở ngắn
• Lưỡi và họng sưng phồng
• Chảy nước mũi, nghẹt mũi
• Mắt bị đau, đỏ và ngứa
Một số loại thức ăn dễ gây dị ứng
Bạn nên chú ý những thức ăn dễ gây dị ứng sau đây:
• Sữa bò và những sản phẩm từ sữa
• Đậu hạt
• Ngũ cốc có chứa Gluten (lúa mì, mạch đen, yến mạch, lúa mạch)
• Trứng
• Đậu tương
• Cá
• Tôm cua
• Mù tạc
• Mè
• Đậu phộng
• Đi-ô-xít lưu huỳnh và sun-phit (chất bảo quản thực phẩm)
• Cần tây
Các thức ăn nên tránh
Khi em bé chưa được 1 tuổi, hệ miễn dịch của bé còn rất non nớt, vì thế bạn nên trách cho bé ăn những thức ăn dễ gây dị ứng sau đây:
• Gluten:
Gluten là một loại đạm có trong hạt ngũ cốc như lúa mì, mạch đen, lúa mạch và yến mạch. Bạn nên tránh cho bé ăn những thức ăn này trong 6 tháng đầu. Hãy xem kỹ thông tin trên bao bì và chỉ chọn những sản phẩm ghi rõ “không chứa Gluten”.
• Cá:
Cá dễ gây ra dị ứng ở một số trẻ nhỏ, vì thế không nên cho bé ăn cá trước 6 tháng tuổi. Khi bé đã được 6 tháng tuổi, cá là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn cân bằng của bé.
• Đậu phộng:
Không nên cho các bé có tiền sử bị dị ứng ăn đậu phộng và các thực phẩm chứa đậu phộng cho đến khi bé được 3 tuổi.
Nếu không có gì đặc biệt thì sau 6 tháng tuổi các bé có thể ăn những thực phẩm kể trên. Nhưng không nên cho các bé dưới 5 tuổi ăn các loại thức ăn chứa hạt vì hạt dễ làm bé ngạt thở.
Lời khuyên phòng dị ứng thức ăn ở trẻ
Hệ thống miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ chưa được ổn định như người lớn cho nên chưa thể ăn các loại thức ăn như người lớn. Trong giai đoạn cho bé ăn dặm, cách tốt nhất để tránh dị ứng là các cha mẹ nên quan tâm và để ý các phản ứng có thể xảy ra mỗi khi cho con ăn bất kì loại thức ăn mới lạ nào, đồng thời cho trẻ ăn từ từ, ít một để theo dõi phản ứng của cơ thể trẻ với thức ăn đó. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, các mẹ không nên cho con ăn những loại thức ăn dễ gây dị ứng như: lòng trắng trứng, hải sản, động vật có vỏ, hạt cây, lạc, mật ong… Các loại thức ăn này có tính kích thích cao hơn các loại thức ăn khác nên nguy cơ dị ứng thường xảy ra ở một số người.
Trong điều kiện nguồn thức ăn đang bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân tác động từ môi trường và con người thì việc lựa chọn thực phẩm an toàn cho trẻ là rất quan trọng. Các mẹ nên lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm nghiệm gắt gao và quá trình chế biến, bảo quản đảm bảo tiêu chuẩn sạch để tránh nguy cơ dị ứng thực phẩm ở trẻ. Vì vậy, việc lựa chọn thực phẩm hữu cơ đang là xu hướng tiêu dùng của các bà mẹ thông thái hiện đại.