Nhiều người biết đến gạo xát trắng nhiều hơn là gạo lứt, nhưng gạo lứt lại là loại gạo tốt cho sức khỏe hơn, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và cho con bú.
Về dinh dưỡng, gạo lứt hơn gạo trắng ở hàm lượng dinh dưỡng và chất xơ trong lớp cám bên ngoài. Gạo lứt giàu carbohydrate (15%), các loại dầu (omega 3, omega 6,...), các loại vitamin nhóm B, vitamin E, K; folate; khoáng chất (Canxi, sắt, magie, photpho, kali, selen), chất xơ (14%), protein (10%).
Gạo lứt ở dạng nảy mầm chứa nhiều thành phần dinh dưỡng cả về chất và lượng hơn so với gạo lứt thông thường. Gạo lứt có thể cho nảy mầm bằng cách ngâm gạo trong nước trong một khoảng thời gian nhất định (khoảng 22 giờ). Phương pháp làm gạo nảy mầm làm tăng lượng protein và các enzym có lợi trong gạo, đồng thời có thể tổng hợp được hợp chất gama-aminobutyric acid (GABA) ở mức cao nhất. Các thành phần dinh dưỡng khác trong gạo như axit ferulic, lysine, magie, kali, vitamin E, niacin, vitamin B6, thiamine và chất xơ cũng tăng lên nhờ có quá trình nảy mầm. Gạo lứt nảy mầm có thể bảo quản bằng cách làm khô, xay bột để giữ được dinh dưỡng.
Gạo lứt được xem là một trong những thực phẩm dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Gạo lứt có thể đáp ứng nhu cầu bổ sung năng lượng từ thực phẩm của phụ nữ cho con bú. Kết hợp gạo lứt trong chế độ ăn uống phong phú với các loại thực phẩm thiên nhiên khác sẽ giúp bà mẹ mang thai và cho con bú khỏe mạnh hơn, tốt cho sự phát triển của con.
Gạo lứt nảy mầm tốt cho tinh thần của phụ nữ đang cho con bú. Nghiên cứu cũng cho thấy được tác động tích cực của gạo lứt nảy mầm trong việc giảm sự rối loạn tâm lý, chứng u uất và trầm cảm sau sinh ở phụ nữ đang cho con bú. Nghiên cứu này cũng nói rằng việc ăn gạo lứt sẽ giúp người mẹ giảm cảm giác stress, mệt mỏi và tăng cường khả năng miễn dịch.
Gạo lứt là thực phẩm không thể thiếu được trong thực đơn nếu bạn muốn duy trì sức khỏe tiêu hóa. Chất xơ trong gạo lứt giúp điều hòa hoạt động của ruột. Một nghiên cứu về tác động của gạo trắng và gạo lứt đến hoạt động của dạ dày cũng đưa ra kết luận là lớp cám trên gạo lứt giúp ngăn cản việc hấp thu axit và độ ẩm giúp bề mặt dạ dày được củng cố hơn. Vì thế với phụ nữ mang thai gặp chứng táo bón, nên dùng gạo lứt trong thai kỳ sẽ tránh được táo bón.
Trên trang tin Foxnews, chuyên gia sức khỏe Jacqueline Banks có đề cập đến tác động tích cực của gạo lứt đối với khả năng tiết sữa của bà mẹ sau sinh. Gạo lứt tác động đến thần kinh, làm tăng khả năng sản sinh chất dẫn truyền thần kinh serotonin giúp kích thích hoocmon liên quan đến tuyến sữa - prolactin. Gạo lứt được ngâm qua đêm sẽ dễ tiêu hóa hơn và tăng chất lượng sữa.
http://www.foxnews.com/health/2013/08/07/tips-to-help-increase-breast-milk-production/
Gạo lứt hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ ở con người. Trong gạo lứt có chứa hocmon melatonin giúp cơ thể điều hòa nhịp sinh học, đảm bảo giấc ngủ của bạn. Hocmon này giúp các dây thần kinh được nghỉ ngơi, và làm tăng chu kỳ giấc ngủ. Đặc biệt đối với phụ nữ sau sinh cần sự nghỉ ngơi để có thể tiết sữa cho con, vì thế sử dụng gạo lứt trong bữa ăn hàng ngày sẽ gián tiếp làm ổn định khả năng tiết sữa đó.
Thời gian mang thai và sau sinh dễ khiến người mẹ gặp các vấn đề về xương khớp. Lượng magie trong gạo lứt giúp bạn duy trì được sức khỏe xương khớp, đặc biệt là cấu trúc xương. Magie trong gạo lứt cũng giúp bạn ngừa hiện tượng khử khoáng trong xương, hỗ trợ điều trị viêm khớp và loãng xương, hạn chế các vấn đề về xương khớp.
Những lợi ích trên đã đủ để các bà mẹ lựa chọn gạo lứt trong chế độ ăn uống chưa? Hãy chọn gạo lứt vì sức khỏe bạn và con nhé!
Hồng Nhung (tổng hợp)