Sữa thảo mộc là loại ngũ cốc với tỷ lệ cân bằng âm dương, do Tiên sinh Ohsawa đã thử nghiệm và điều chỉnh công thức dùng được cho trẻ sơ sinh khi mẹ thiếu sữa, dùng cho trẻ em ăn dăm và người già, phụ nữ mang thai và cho con bú để thay thế sữa bò.
Có bạn hỏi cách thức làm sữa thảo mộc. Nay mình chia sẻ bí quyết nhà nghề nhé:
1. Thành phần và tỷ lệ sữa thảo mộc như sau:
Gạo lứt: 45%
Nếp lứt đỏ: 5%
Ý dĩ: 5%
Kê: 5%
Đỗ tương: 10%
Đỗ đỏ: 10%
Đỗ xanh: 5%
Đỗ đen: 5%
Hạt sen: 5%
Vừng: 5%
2. Cách chọn nguyên liệu chính:
Gạo lứt đỏ sạch nhà trồng dẻo mềm và mới xát để ủ mới lên mầm.
Nếp lứt đỏ mình lấy loại lứt nếp ngon ở Điện Biên, cũng là loại đặt mới xát để nó được mới. Nếu loại cũ sẽ không lên được mầm.
Đỗ tương phải chọn đỗ tương non-GMO, mình chọn đỗ tương Nam Đàn hạt nhỏ, dẹp chứ không chọn loại hạt tròn thường dùng trên thị trường. Đỗ tương này số lượng có hạn, phải đặt vào đầu vụ mới có, nếu không Nam Đàn sẽ lấy làm tương bần hết.
Đỗ đỏ: Xích tiểu đậu loại oganic của Phan Rang là vùng núi cao, chứ không chọn loại đậu đỏ nhỏ như thông thường vì dược tính của xích tiểu đậu tốt hơn rất nhiều so với đậu đỏ nhỏ thông thường.
Hạt kê thì cần chọn hạt kê nhỏ, kê ta chứ không lấy loại kê tàu, hạt to (loại này thông thường chỉ cho chim ăn mà thôi)
Đỗ đen: Mình cũng chọn đỗ đen hạt nhỏ xanh lòng, chắc hạt ở ven sông Hồng Hà nội vào đúng vụ. Loại này nên đặt những người trồng mà bạn quen biết. Đỗ đen không mấy khi bị phun thuốc nên bạn có thể yên tâm.
Đỗ xanh: Loại này thì nên chọn hạt đậu xanh nhỏ nhưng vừa phải, mặt hơi xấu một chút, nếu chọn hạt quá nhỏ thì là loại đỗ xanh làm giá thì Bột sẽ không ngon.
Hạt sen: Cần chọn hạt sen bắc phơi khô hoặc sấy khô, nếu có vỏ lựa thì tốt hơn vì nhiều dinh dưỡng hơn loại đã bóc vỏ. Nếu có điều kiện vào vụ sen tháng 7-8 bạn nên phơi khô sen già thì sẽ có sen ngon để dùng cả năm.
Vừng thì chọn vừng hạt nhỏ, màu hơi đậm, loại thông thường chắc mẩy nhưng mùi vị không thơm ngon khi rang. Gần đây mình chọn được Vừng ở Ninh Bình rất thơm, tuy hạt nhỏ nhưng ở quê trồng sạch, loại vừng này tuy không đẹp như vừng chợ nhưng mùi khác thơm và vị béo đậm đà.
3. Các nguyên liệu được làm như sau:
Gạo lứt đỏ mới xát vỏ trấu, ngâm ủ nảy mầm, rang tay trên bếp củi ủ trong giấy xi măng để riêng, ủ giòn để khi xay bột thật ngon và thơm.
Nếp lứt đỏ mới xát vỏ trấu ngâm ủ nảy mầm, rang tay trên bếp củi, ủ trong giấy xi măng để riêng.
Ý dĩ, kê, đỗ tương, đỗ đỏ, đỗ xanh, đỗ đen, hạt sen ngâm nước muối khoãng 30 phút đến 2 tiếng tùy loại , vì các nguyên liệu khác nhau nên thời gian ngâm khác nhau.
Sau khi ngâm thì đãi sạch cát sạn, tãi ra cho khô ráo, cho vào rang tay hoặc rang máy nếu có máy rang.
Vừng: đãi sạch rang đến khi nổ tanh tách là được.
4. Xay bột
Xay tất cả các nguyên liệu trừ vừng ra thành bột mịn. Lần gần cuối thì cho vừng vào xay cùng. Xay lại lần nữa là được.
Xay xong thì cho ra chậu nhôm hoặc là giấy xi măng để nguội cho vào lọ hoặc túi có tráng nhôm để bảo quản tốt.
5. Cách sử dụng
Riêng đối với trẻ em dưới 2 tuổi thì cần đun trên bếp từ 15-20 phút để nở đều và dễ tiêu hóa. Nếu người lớn thì có thể cho nước sôi để quấy thì rất mịn và ngon.
Nếu chỉ quấy với nước ấm thì sẽ đầy bụng khó tiêu hơn đối với một số đối tượng nhạy cảm. Nếu người khỏe và không có thời gian có thể cho quấy cùng với nước ấm, nếu ăn thấy bình thường thì tiêu hóa tốt.
Các gia vị kèm theo khi ăn sữa thảo mộc: Ăn cùng muối vừng, nước tương tamari, miso, teka, bơ vừng…
Bạn có thể phá cách thành một món ăn sáng với nước dùng rau củ quả, hoặc nước dashi với rong biển Kombu và nấm Đông Cô nấu xong, bỏ bã, trộn bột, quấy nhanh tay trên bếp, nêm gia vị và hành mùi thái nhỏ vào đến khi bột nở đều là có thể ăn được.
Một phương pháp làm bột khác cầu kì hơn có thể bạn quan tâm:
GẠO: chiếm 80% . Trong đó có gạo lứt trắng, đỏ, lức nếp (gạo lứt trắng thường dùng từ giống gạo mềm ngon ở đồng bằng)
ĐẬU : Chiếm 10%. Gồm đậu Đỏ, đậu Xanh, đậu Đen, Nành.
VỪNG : Chiếm 5%
CÁC LOẠI HẠT KHÁC :chiếm 5% gồm : hạt sen , bobo, kê ...
CÁCH CHẾ BIẾN NHƯ SAU:
Bước 1 :Với mỗi loại nguyên liệu để riêng, vo đãi sạch, Đồ như đồ xôi đến khi đạt độ chín 60% .
Bước 2: Phơi 2 nắng to. Nắng thứ 2 phơi từ sáng đến trước 2h30 chiều phải cất.
Bước 3: Bỏ vào rang khô từng loại trên lửa nhỏ. Nếu có điều kiện thì sấy là tốt nhất..
Sau khi đã thu được các nguyên vật liệu chế biến xong thì xay nghiền và trộn lại.
Như Châu