Chế độ ăn của người mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những món ăn của gia đình, đặc biệt là tạo nên thói quen ăn uống cho trẻ.
Rau củ và trái cây là những thực phẩm được khuyến khích sử dụng thường xuyên trong bữa ăn do chứa nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết và chất xơ, đặc biệt có ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không ít trẻ chưa có thói quen ăn nhiều rau hoặc thậm chí không ăn rau. Xu hướng này ngày càng phổ biến hơn ở trẻ em thừa cân, béo phì.
Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM khuyên rằng: Để trẻ thích ăn rau thì
- Bạn hãy xem lại bộ răng của trẻ. Nếu trẻ chưa có đủ răng hàm để nhai thì bạn cần phải cắt nhỏ, băm nhuyễn rau củ ra, nấu mềm... trước khi cho trẻ ăn.
- Trẻ sau 24 tháng đã đủ 20 răng sữa nhưng vẫn chưa nhai nuốt rau được thì phải làm sao? Hãy thử cho ăn các loại củ trước. Ví dụ như cà rốt, su su, bí đỏ, bí đao, khoai môn... cắt lát mỏng nấu mềm cho trẻ tập làm quen.
- Rau lá nấu chín vớt ra từ nồi canh gia đình có thể được xắt nhỏ hơn (với cây kéo hay dao thớt sạch chỉ dùng để xắt thức ăn chín) trước khi cho trở lại vào chén canh của trẻ.
- Cho ăn rau lá non, mềm, ít xơ dai như rau mồng tơi, rau xà lách... trước, sau đó hãy tập ăn rau muống, rau lang, rau ngót, rau cải... và cuối cùng là tập ăn rau cọng, rau bẹ...
- Hãy tập ăn lúc đầu chỉ một ít rau củ... sau đó tăng dần lượng lên.
- Cũng đôi khi trẻ chưa nhai nuốt được rau nhưng đã có thể ăn đậu bắp hấp, cà tím xào,... Bạn hãy bắt đầu bằng cái gì mà trẻ thích. Cho bé hiểu rau “bổ” gì: Ăn rau giúp con sáng mắt, đẹp da...
- Trẻ khó ăn rau cùng lúc với miếng cơm. Bạn hãy cho trẻ ăn cơm xong rồi hãy ăn canh rau, vì có thể lúc đầu trẻ chỉ nhai được những thức ăn đồng dạng.
- Trẻ thường nghi ngại khi mẹ đưa cả một muỗng rau to trước mặt. Bạn hãy thử rửa sạch tay trẻ, cho trẻ tự bốc vài cọng rau lên cho vào miệng kích thích sự thích thú của trẻ.
- Vừa ăn vừa chơi cũng làm cho trẻ thích thú: “Cọng rau muống này dài quá, con hút vào được không, thử dùng răng của con để nghiền nát nó ra nhé”… hoặc nhai làm mẫu cho trẻ tập nhai.
- Bạn cũng có thể để bé góp sức mình trong việc làm các món ăn từ rau củ đơn giản như salad hoặc để bé chọn nguyên liệu cho món ăn. Khi đó bé sẽ thích thú với món ăn mà chính bé tự chọn hoặc làm
- Hãy sáng tạo với những rau củ mà bạn có để tạo hứng thú cho bé. Ví dụ như cắt và xếp rau củ thành các hình thù ngộ nghĩnh để bé tò mò và thích thú...
Đối với trẻ nhỏ, bạn nhớ tập cho trẻ ăn rau củ ngay từ lúc cho bé ăn dặm (4-6 tháng tuổi) bằng cách xay nhỏ mịn rau củ cùng với bột, cháo… để vừa có được nguồn dinh dưỡng đầy đủ lại tập được thói quen ăn rau ở trẻ.
Theo Hipp