“Vạn bệnh vào từ miệng” là lời cảnh báo của bậc tiền nhân về sự liên quan giữa bệnh tật và ăn uống. Có được “chánh kiến” về việc ăn sẽ giúp chúng ta thay đổi thói quen ăn của bản thân. Làm thế nào để việc ăn trở thành một nghệ thuật sống mang lại niềm vui thay vì là bệnh tật? Làm thế nào để việc ăn trở thành cách thức để tu dưỡng bản thân.
Có câu ngạn ngữ: “Một tâm hồn trong sạch, trong một thể xác thanh khiết”, hay “ một thân thể không đau; một tâm hồn không loạn, đó là Chân hạnh phúc của con người”. Do đó ăn là việc nuôi dưỡng cả về hai mặt : vật chất và tinh thần. Mà dưỡng Tâm là căn bản của thuật Dưỡng sinh của Đông phương Đạo Học. Và món ăn vật chất cũng ảnh hưởng tinh thần khá quan trọng. Như vậy trong việc ăn cần đảm bảo được dưỡng Tâm và dưỡng Thân. Tâm là phần tinh thần, cảm xúc, tư tưởng sự an lạc khi ăn, còn Thân là vật chất, dinh dưỡng, nguyên tố vi lượng,… được hấp thu vào cơ thể.
Rất nhiều tác phẩm của tiên sinh OHSAWA chỉ ra mối liên hệ giữa số phận của con người và cách ăn uống của họ. Chính thức ăn tạo ra hình thể và cũng tác động đến tâm lý, tư tưởng, suy nghĩ, thái độ. Vậy ăn thế nào để nuôi dưỡng cả Thân và Tâm?
Ăn đúng giờ
Hãy tạo thói quen ăn đúng giờ. Điều này có cơ sở khoa học là cơ thể phản ửng có điều kiện để tiết dịch vị đầy đủ cho việc tiêu hóa thức ăn. Việc ăn tạp, ăn vô độ, thấy có đồ ăn là ăn thường phản ánh việc thiếu tổ chức và sống tùy tiện. Tạo thành nề nếp và thói quen sinh hoạt là một việc quan trọng, đây là một kỷ luật giúp sống một cách vững trãi, không phóng túng theo nhịp sống loạn động.
Ăn tiết kiệm
Một bậc thầy tướng số nổi tiếng của Nhật Bản đã cuốn sách viết về thức ăn thay đổi số phận. Cách để chuyển nghiệp hay cải số bằng con đường ăn uống. Con người tiêu thụ nhiều nhất qua việc ăn. Giảm thiểu hay tiết kiệm khi ăn là cách để gìn giữ phúc đức. Chính điều này giúp bạn có nhiều phước để thành công và hạnh phúc trong các công việc ngoài đời. Đo đó, bạn cần tiết kiệm và trân trọng từng hạt cơm. Hãy nghĩ cách chế biến để sử dụng triệt để thức ăn, không lãng phí, đặc biệt, là không được đổ phí cơm canh và thức ăn.
Ăn trong chánh niệm
Khi ăn chỉ nên tập trung vào việc ăn, không nghĩ đến bất cứ việc gì khác. Chính sự tập trung hay hiện diện khi ăn tạo ra sự đồng nhất và hòa hợp cho thức ăn và người ăn. Bởi ăn không chỉ bằng mồm mà còn còn bằng mắt, mũi, tai, lưỡi, thân và ý. Thân là thân thể, bộ phận tiêu hóa cũng phải cùng làm công việc ăn. Còn ý bao gồm tư tưởng, thái độ tác động không nhỏ đến giá trị của bữa ăn. Khi ăn chúng ta thường hay suy nghĩ miên man đến món ngon, món dở, suy nghĩ đến việc quá khứ việc tương lai đều làm giảm giá trị của bữa ăn
Ăn trong sự biết ơn
Trước khi bắt đầu ăn, bạn hãy khởi niệm về sự biết ơn thức ăn đang có. Biết ơn những người nông dân làm ra hạt gạo, biết ơn mặt trời, gió, mưa, đất đã hội tụ vào hạt cơm đang có. Rồi phải có nồi cơm, nước, điện hay gas để nấu thức ăn. Để có được một bát cơm là rất nhiều nhân duyên, điều kiện hội tụ lại vì thế bạn nên bày tỏ lòng biết ơn với những gì đang có. Có một bữa ăn cũng đã là sự kỳ diệu, sự kết hợp được hàng triệu yếu tố để tạo thành.
Bạn cần biết ơn cả thân thể mình nữa. Vì bạn chẳng thể nào biết cách để biến thức ăn, cơm, gạo, rau trở thành máu, các thành phần dinh dưỡng nuôi cơ thể. Nhà khoa học vĩ đại nhất cũng chưa tìm ra được công thức biến gạo, cơm thành máu mà chỉ có cơ thể của bạn mới có thể làm được điều đó. Đó là một phép màu vì vậy bạn nên biết ơn về điều đó.
Như vậy với thái độ ăn trong sự biết ơn và ăn trong chánh niệm giúp bạn phát triển về tâm. Nhận biết thức ăn đang ăn, không suy nghĩ, không xao lãng chỉ nhận biết về những gì đang diễn ra khi ăn là một pháp tu chuyển hóa. Ngoài ra, ăn một cách tiết kiệm, ăn đúng giờ, tránh ăn bừa bãi là một cách để tiết kiệm phước và giúp bản thân khỏe mạnh.
Nhất Thanh