Hoà hợp thức ăn
Dù đã chọn lựa và nấu nướng thức ăn, con người còn phải cố gắng làm thế nào nắm bắt cho được kỹ thuật nấu ăn quân bình âm dương để tạo nên trạng thái hoà hợp bình thản cho cơ thể và tinh thần con người, dẫn đến hạnh phúc cá nhân và hoà bình thế giới. Vũ trụ quan về Dịch học của Đông phương xưa hoặc nguyên lý Âm Dương là một phương pháp thực tiễn áp dụng sự hoà hợp này vào lĩnh vực thức ăn. Âm, tượng trưng cho ly tâm lực - bành trướng và không gian, trong khi Dương tượng trưng cho cầu tâm lực - thu súc và thời gian.
Cuối sách sẽ có một bảng phân loại Âm Dương dành cho lĩnh vực dinh dưỡng, nó đưa ra tiêu chuẩn phán đoán về thức ăn hàng ngày của chúng ta để có thể phối hợp điều hoà giữa các nhóm tương phản cũng như bổ túc cho nhau.
Ăn uống để mở mang tâm trí
1. Thức ăn trong vũ trụ của con người
Trong diễn trình của đời sống khởi từ vô tận đến thân xác con người, con người đã tự biến đổi từ những rung động vô hình thành vật thể hữu hình. Khi con người quay trở về cõi tâm linh, con người phải ăn uống ngược lại nghĩa là từ vật chất hữu hình đến rung động vô hình.
(1) Trong lúc còn là một bào thai con người hoàn toàn lệ thuộc vào máu huyết của người mẹ là phần tinh tuý của loài động vật.
(2) Sau khi ra đời từ một sinh vật sống dưới nước (nước ối) trở thành loài có vú sống trên đất liền, con người bắt đầu bú sữa mẹ, một thứ chất lỏng mang tính chất động vật.
(3) Khi đã đứng được, răng bắt đầu mọc, thức ăn của con người thay đổi từ thức ăn mang tính động vật sang thức ăn mang tính chất thảo mộc.
Vì răng người mọc có thứ tự nên thức ăn chính của con người là cốc loại gồm hạt và trái là giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của loài thảo mộc. Thức ăn phụ là những phần khác của cây cỏ như lá, cành, rễ.
(4) Kèm theo các thức ăn sinh vật học này, hàng ngày con người còn ăn cả thế giới nguyên tố dưới hình thức nước, muối khoáng và không khí.
(5) Hàng ngày con người còn “ăn” thế giới tiền nguyên tử (hình thức nhiệt năng do mặt trời và các hành tinh khác tác động, cùng bầu khí quyển đang bao bọc chúng ta tỏa ra, cũng như dưới hình thức thức ăn nấu chín).
(6) Hơn thế, nhờ vào các giác quan, con người còn “ăn” cả thế giới rung động (đặc biệt vì thế đứng thẳng của mình) dưới hình thức các lực điện từ gồm các lực hướng tâm và ly tâm luôn luôn hoạt động hỗ tương giữa trái đất và tầng khí quyển.
(7) Thêm vào 6 loại thức ăn kể trên con người luôn luôn vô tình hoặc hữu ý, hấp thụ lực bành trướng vô tận vận chuyển vượt tầm thời gian và không gian, đó cũng là thức ăn đầu tiên của mọi hiện tượng.
Khi uống phần tinh tuý của loài động vật, con người trở nên loài chủ tể của loài động vật, khi ăn loài tinh túy của loài thảo mộc, con người trở nên loài chủ tể của cỏ cây; khi hấp thụ thế giới nguyên tố và tiền nguyên tử, con ngươì là kẻ cai quản thế giới này; khi hấp thụ thế giới chấn động, con người trở thành một người thuộc cõi tâm linh, và khi nhận thức được vô tận, con người trở nên một sinh vật tối cao ngang hàng đấng Tối Cao, ngang hàng tới Một Bất Diệt.
Có thể phân thức ăn thành hai loại: Thức ăn của Trái Đất và thức ăn của bầu trời. Thức ăn thứ nhất tạo nên hình hài vật chất của chúng ta, còn thức ăn thứ hai giúp khai triển tinh thần và tâm trí của chúng ta.
Tuy thế, hai loại thức ăn này không bao giờ phân cách mà luôn luôn có ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau. Mọi thứ thức ăn đều là phần tinh tuý cô đọng của toàn thể vũ trụ, và chúng ta ăn cái gì sẽ trở nên cái đó. Người nào không hiểu biết về thức ăn vật chất tinh thần sẽ làm cho cơ thể mình hư hỏng, mà cơ thể không gì khác hơn là hình thức biểu tượng của tâm trí. Ai không hiểu biết về thức ăn vô hình cũng sẽ không bao giờ được hạnh phúc.
2. Giáo dục về thức ăn
Mọi tôn giáo cổ truyền đều có giảng dạy về tầm quan trọng của thức ăn, không những về thức ăn tinh thần và tâm linh mà cả thức ăn vật chất nữa. Vì con người đã tự biến hoá thành con người nhờ thức ăn cũng như hàng ngày đang dùng thức ăn để thay đổi con người mình, nên thức ăn của con người là một nhịp cầu nối liền con người với vô tận. Con người có trở nên cao cả hơn, hạnh phúc hơn hoặc hèn kém hơn, đau khổ hơn đều hoàn toàn tuỳ thuộc vào những gì mà con người đã ăn.
Thức ăn tạo nên thân xác con người, nhờ thân xác, con người mới diễn đạt và phát biểu được vô tận bằng các danh từ của cá nhân mình; Khi thân xác đau yếu, tư tưởng cũng trở nên bệnh hoạn; khi con người khoẻ mạnh tâm trí cũng trở nên minh mẫn.
Do đó Kinh Cựu ước, Sách Kí của Leviticus, các lời rao giảng của Jesus, Kinh Phúc âm của Jorn cũng như kinh Vêđa, Hồi giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo, Nhật Bản giáo và các tôn giáo khác trên toàn cầu đều khẳng định rằng thức ăn của con người là phương tiện trọng yếu nhất giúp đạt đến cõi cao cả. Không những các tôn giáo mà một vài quốc gia như ấn Độ và Nhật Bản dân chúng từ đời này sang đời khác đều mặc nhiên chấp nhận thức ăn chính yếu của con người là cốc loại và rau cỏ. Hơn nữa, mọi dân tộc trên thế giới đều có những thức ăn cổ truyền nhằm bảo vệ sức khoẻ và hạnh phúc, người da đỏ ở châu Mỹ có ngô (bắp), các dân tộc châu Âu có lúa mì, dân Slave có lúa hắc mạch và nhiều cốc loại khác.
Những loại thức ăn trên khắp thế giới lưu truyền từ thời xa xưa này không những trợ lực cho sức khoẻ mà còn giúp khai triển tâm trí nữa. Trái lại, những lời chỉ dẫn về thức ăn hiện nay hầu hết chỉ nhằm thoả mãn các nhu cầu vật chất của chúng ta mà thôi. Trong ý nghĩa đó, khoa dinh dưỡng hiện nay quả còn thua xa các lời giảng dạy của tôn giáo từ ngàn xưa.
Chúng ta được thừa hưởng một tài sản tinh thần lớn lao gồm các lời giảng dạy của mọi tôn giáo. Khi chúng ta muốn hiểu những lời giảng dạy này để áp dụng trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải tuân theo những nguyên lý thực dưỡng mà tổ tiên chúng ta ngày xưa đã áp dụng. Trừ phi chúng ta có cùng tính chất máu huyết của tổ tiên, còn không chúng ta không thể nào hiểu nổi các lời giảng dạy của họ có ý nghĩa như thế nào. Trước khi chúng ta “rửa tội” để có một tâm linh thánh thiện, chúng ta rửa tội cho máu huyết của chúng ta cũng như thay đổi 4 tỷ tế bào kể cả những tế bào của thần kinh hệ. Về phương diện này sự phát triển tâm trí hoàn toàn tuỳ thuộc vào từng cá nhân. Thức ăn hoàn toàn được chúng ta kiểm soát chọn lựa do đó mọi người đều có trách nhiệm đối với hạnh phúc của chính mình.
Tiên sinh Ohsawa nói: “Nếu đàn bà không làm được nhiệm vụ “nội tướng” là chủ nhân đáng yêu nhất của cái nhà bếp (Nhà bếp là nhà bào chế thuốc - Ohsawa) thì gia cang nhà đó sẽ bất ổn”. Bất cứ người đàn bà nào không thích việc bếp núc thì sức khỏe tinh thần và thể xác của những người trong gia đình, và bầu không khí của gia đình đó khác hẳn những gia đình có người nội trợ đảm đang tháo vát và “yêu nghề”.
Xã hội muốn phát triển đến một nền văn minh thực sự phải có phương hướng khuyến khích và phải hết sức trân trọng người phụ nữ trong việc bếp núc.
108 món ăn chay bổ dưỡng theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa, Phạm Thị Ngọc Trâm