Nhiều nghiên cứu cho thấy, người bệnh tiểu đường ăn các loại hạt thường xuyên thậm chí còn có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của biến chứng.
Tại sao nên ăn các loại hạt?
Ngoài việc chúng có vị rất ngon, còn có nhiều lý do nữa để những người có bệnh tiểu đường nên thưởng thức các loại hạt thường xuyên, và xem chúng như một phần của một chế độ ăn uống lành mạnh.
1. Chứa chất béo có lợi
Người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch. Nguy cơ này có thể được giảm bằng cách thay thế chất béo bão hòa có hại (thường có trong chế độ ăn uống bình thường) thành chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn tốt cho sức khỏe (có chứa nhiều trong các loại hạt). Đã có những nghiên cứu chứng minh, các loại hạt có thể giúp cải thiện nồng độ cholesterol và triglyceride máu ở người bệnh tiểu đường.
- Những loại hạt giàu chất béo không bão hòa đơn bao gồm hạt điều, hạnh nhân, quả hồ trăn và quả hồ đào.
- Những loại hạt giàu chất béo không bão hòa đa bao gồm quả óc chó, hạt thông và quả hạch Brazil. Một loại chất béo không bão đa hòa đặc biệt có lợi cho tim là omega-3, loại hạt có hàm lượng omega-3 cao bao gồm quả óc chó và quả hồ đào.
2. Chỉ số đường huyết thấp
Hạt điều, hạt dẻ và hồ đào có một mức chỉ số đường huyết (GI) thấp, vì vậy chậm làm gia tăng lượng đường trong máu, giúp lượng đường trong máu ổn định, có lợi cho người bệnh tiểu đường. Chỉ số GI của các loại hạt khác chưa được kiểm nghiệm, nhưng hầu hết các loại hạt (ngoại trừ hạt dẻ) đều có chứa ít carbohydrate và chất đạm, điều này có nghĩa chúng có thể sẽ có chỉ số GI thấp, nhưng vẫn cần có thêm những nghiên cứu để xác nhận.
3. Arginine
Arginine là một acid amin có lợi được tìm thấy trong các loại hạt. Arginine đã được chứng minh là giúp Insulin hoạt động hiệu quả hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nó cũng có thể giúp cải thiện sức bền của thành mạch máu, hỗ trợ trong việc phòng ngừa bệnh tim liên quan đến các biến chứng tiểu đường.
4. Chất xơ
Các loại hạt là một nguồn chất xơ phong phú. Một chế độ ăn nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan, sẽ giúp cải thiện lượng đường trong máu, giúp Insulin hoạt động hiệu quả hơn, làm giảm cholesterol "xấu" (LDL-c) và triglyceride ở những người bệnh tiểu đường.
5. Chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa trong các loại hạt bao gồm hợp chất phenolic, tocotrienols, luteolin và hợp chất flavonoid. Tất cả những hợp chất này giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch và cải thiện chức năng của thành mạch máu.
6. Vitamin E
Một chế độ ăn ít vitamin E có liên quan đến sự phát triển của tiểu đường typ 2. Vitamin E đã được chứng minh là giúp insulin hoạt động hiệu quả hơn ở những người bệnh tiểu đường. Một lượng trung bình khoảng 30g hạt sẽ cung cấp khoảng 20% lượng vitamin E cần bổ sung hàng ngày.
Như vậy, các loại hạt là một nguồn thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho người bệnh tiểu đường. Bạn có thể thử một số cách ví dụ như trộn chúng vào cùng với món salad, hay nghiền nát trộn đều cùng với trái cây và sữa chua… để thưởng thức chúng hàng ngày, giống như một phần trong kế hoạch ăn uống lành mạnh, giúp kiểm soát bệnh tiểu đường.
Theo www.charlesworthnuts.com.au