Đầu tiên là phải kể đến đồ nghề.
1. Chảo rang mè (có thể dùng cái nồi rang cho nó đỡ bắn ra ngoài nếu chả may có đảo quá tay, lỡ đà).
2. Giấy ủ cho mè thơm, thường dùng giấy gói thuốc bắc gói ủ rất thơm.
3. Chày cối. Cối giã mè chất liệu bằng đất nung. Chày từ gỗ cầm đằm tay.
Giờ đến công đoạn rang mè. Mè nếu chưa đãi, thì đãi cho sạch rồi để cho ráo nước. Nếu mè đã đãi sạch cát, sạn thì cho ít nước lã vào trộn cho mè ẩm lúc rang mới thơm.
Lúc rang, để cho chảo hoặc nồi nóng rồi mới cho mè vào rang, để nhỏ lửa, không được để lửa to sẽ làm cháy mè hay nổ mè mất ngon. Lượng mè cho vào chỉ vừa cái lòng của cái nồi, không ít quá, không nhiều quá. Phân lượng này phải trải qua kinh nghiệm mới biết. Rang đến khi hết nghe tiếng mè nổ lách tách nho nhỏ và ngửi mùi thơm ngòn ngọt là mè chín. Đổ mè vào giấy gói để ủ cho mè chín kỹ và qua công đoạn ủ này mè mới thơm.
Rang xong mè, chuyển sang rang muối cho khô, dùng muối hầm là ngon nhất. Tỷ lệ thường 1 muối + 20 mè là vừa ăn với cơm.
Cho cái cối lên bếp, bật lửa khử trùng rồi mới đem giã mè. Thông thường 1 gói mè đã ủ giã 1 lần. Canh lượng muối vừa với mè cho vào cối nghiền trước rồi mới cho mè vào giã cùng. Mè chín ngon thì khi giã sẽ nhanh nhuyễn, không làm ướt chày. Mè rang còn sống thì khi giã sẽ làm ướt chày. Mè cháy thì ngửi mùi khét. Mè giã xong, đổ ngược lại vào nồi đậy vung kín lại để hạn chế hấp thụ âm khí chờ cho nguội hẳn mới bỏ vào hũ cất dùng ăn dần.
Cách làm này khiến muối mè rất thơm và ngon vì hòa quyện đủ âm dương lại lâu bị lên dầu, có thể để dành tới 2 tuần vẫn thơm ngon.
Gaolut.vn sưu tầm