Một số món ăn chế biến từ tương
Đã từ lâu trong bữa ăn gia đình của người Việt Nam, tương được xem như một thứ gia vị chủ yếu: “Tương cà là gia bản”
1.Tương chanh:
Vắt vài giọt chanh vào bát tương. Dùng với món các món rán, rau muống luộc. Ăn rất tốt vào mùa hè.
2) Tương gừng:
Thái gừng thành sợi chỉ, trộn lẫn vào tương. Dùng rất tốt trong mùa đông.
3) Tương củ cải trắng:
Làm món này như làm món tương gừng, nghĩa là mài nhỏ củ cải tươi, hoà lẫn với tương, dùng với các món rán vì củ cải làm tiêu hoá dầu mỡ rất tốt.
4) Nước chấm hỗn hợp:
Cho cả tỏi, chanh, đường, ớt, dấm hoa quả, hạt tiêu. Giã nhỏ mọi thứ, cho tương vào sau cùng. Dùng với các món ăn trong bữa tiệc...
5) Tương sốt hành:
Cho dầu ăn vào chảo, phi hành thơm, cho tương vào thì bắc ngay ra vì để lâu tương mất enzym là thứ trợ giúp tiêu hoá rất tốt. Ăn trực tiếp với cơm, có thể để dành 5 - 7 ngày.
6) Nước tương:
Lọc tương qua vải ta được 1 thứ nước tương dùng thay nước chấm ngon tuyệt. Nếu bạn không dùng bất cứ thứ gì có mì chính, nhất là bột canh trên thị trường (chứa 30-40% mì chính) mà tự chế biến lấy bột canh, hay dùng bột canh ở nơi bán thức ăn dưỡng sinh tin cậy thì bạn ăn những món ăn được chế biến theo sách này hướng dẫn, mới thấy hết được cái tuyệt ngon của nó.
7) Tương ăn với bánh cuốn, bún, bánh da chần:
Cho dầu ăn, phi hành thơm, cho thêm đường, ớt, nước sôi, tương, bắc ra cho thêm hạt tiêu, chanh, ăn với rau thơm.
8) Xốt tương cà chua:
Phi dầu hành thơm, cho cà chua đun một lát cho nhừ, bắc ra cho tương vào, sau cho thêm vài sợi gừng thái chỉ. Đây là món có thể dùng để chấm rau luộc, ăn với ra sống. Có một lần đi hành hương cùng 40 người lên Yên Tử vào mùa đông, tôi làm món xốt tương cà chua này để chấm rau xà lách. Nhiều người tấm tắc nói : “Cả đời tôi chưa được ăn món nào ngon như vậy!”. Tương lần đó cũng chính là tương do tôi làm, trong đó có thành phần gạo nếp lứt với đỗ tương mà tôi đã chỉ dẫn cách làm ở trên. Để có cảm giác ngon miệng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng không thể phủ nhận sự ngon lành của món xốt tương cà chua.
9) Xốt tương bơ vừng:
Làm như món xốt tương hành, cho thêm bơ vừng trước khi cho tương. Bơ vừng là một món ăn rất bổ hoàn toàn từ vừng (xem cách làm chương sau)
10) Dầm cà:
Chiết từ tương ra một thứ nước tương là loại nước chấm hảo hạng, dùng để dầm cà, có thể cho thêm ớt, tỏi... Đây là món hơi âm dành cho người dương tạng.
11) Xu hào, cà rốt, củ cải héo dầm tương:
Làm như món thứ 36, nhưng những thứ này phải phơi tái, héo bớt nước, hoặc muối nén vài hôm trước khi dầm. Ăn với cháo gạo lứt rất ngon và bổ dưỡng.
12) Canh dưa chua:
Dưa muối, hành, dầu ăn, cà chua, tương. Đun dầu cho hành phi thơm, cho cà chua vào đảo kĩ cho nhừ, cho dưa chua đảo tiếp một lát đem cho tương vừa ăn bắc ra làm món xào kho hoặc cho nước đun nhừ làm món canh chua. Món này không nên ăn thường xuyên vì hơi âm.
13) Rau muống nấu canh tương gừng.
Xào rau muống với chút muối và dầu ăn cho kĩ, cho thêm nước vừa ăn, trước khi bắc ra cho tương và gừng đập dập thái nhỏ. Món này ăn vào mùa đông thích hợp.
Ngoài những món ăn kể trên, bạn có thể dùng tương làm gia vị cho vào gần như hầu hết các món ăn như:
14) Lạc dầm tương:
Cho lạc rang dầm 15 phút trong tương, hoặc để qua đêm, món này có thể để cả tháng.
15) Củ sen xào tương:
Thái mỏng củ sen, rửa sạch bùn, xào với dầu phi hành thơm, cho gia vị chay và tương và nhớ cho chút gừng. Món này rất tốt cho những người yếu phổi và cần tẩm bổ.
16) Củ cải kho tương: có thể rán qua củ cải hoặc không, rồi mới cho tương.
17) Xu hào kho tương: như trên. Có thể cho cà rốt...
18) Rau cải xoong nấu canh cà chua với tương:
Cà chua chưng với dầu ăn cho nhừ, cho tương và nước đun sôi, cho cải xoong vào, sôi thì bắc ngay ra.
19) Nấm xào tương:
Phi hành dầu thơm, cho nấm, gừng, tương vào, cho rau thơm tuỳ thích. Món ăn này khá âm hợp với người dương tạng hoặc người ăn quá nhiều thịt hay những người nóng tính.
20) Mướp đắng kho tương:
Rán qua mướp đắng rồi đổ tương vào vừa ăn, đun tiếp cho mềm.
21) Đậu phụ hấp tương gừng:
Mua đậu về ép ráo hết nước chua rồi giã nhuyễn với hành tây, trộn tương, gừng thái chỉ, và dầu ăn hoặc bơ vừng, đem hấp chín.
Theo "108 món ăn chay đại bổ dưỡng"