Hầu hết chúng ta đều nghĩ nhà bếp là nơi chỉ để nấu thức ăn và giả như có “linh hồn” của nhà bếp thì cùng lắm chỉ nghĩ đến người chịu trách nhiệm nấu ăn chứ không bao giờ chúng ta tin rằng có ông “Thần bếp” tức là ông Táo mà mỗi 23 tháng chạp hàng năm theo phong tục dân gian cúng ông Táo về trời để tâu trình về việc làm của ông và gia chủ trong một năm và cứ đến 30 lại đón ông Táo về.
Chúng tôi để tâm tìm hiểu về nhà bếp mà theo Ohsawa gọi là phòng bào chế thuốc, thì thấy có một số vấn đề cần phải suy nghĩ nghiêm túc.
TS Ohsawa thường nói với phụ nữ (thiên chức nuôi dưỡng) rằng cần phải có cái bếp sạch sẽ tinh tươm và ngăn nắp vì nếu không sắp đặt nhà bếp cho có trật tự mà để bừa bãi thì sẽ gây hỗn loạn trong việc nấu nướng và do đó cho gia đình bạn.
Bạn cần phải có một cái bếp ngăn nắp cho đến mức trong bóng tối cũng có thể mò thấy cái cần tìm, nếu không gia đình bạn sẽ nhận sự mất trật tự của bếp vào trong thức ăn. Và ảnh hưởng vào nề nếp gia phong.
Người ta đã làm thí nghiệm như sau: Cho hai người sức khoẻ tương đương, ăn những thức ăn như nhau nhưng được nấu với hai tâm trạng khác nhau thì họ cũng bị ảnh hưởng. Khi nấu ăn bạn có thể gây ảnh hưởng trạng thái tâm lý của bạn vào món ăn và khi ăn những món ăn đó những người nhạy cảm sẽ tiếp nhận từ trường tinh tế do tay bạn truyền sang. Có những người muối dưa toàn khú, nấu những món ăn khi ăn cảm giác lạnh lẽo ô trược. Ngược lại có những người nấu ăn, ăn rất ngon miệng và sảng khoái vì từ trường của họ có nhiều thanh khí điển tức là trường nhân điện của người đó có nhiều dương khí. Các bạn đã thấy rõ điều này khi đi ăn phở. Tại sao ai cũng biết công thức nấu phở như thế nào mà có hàng phở rất đông khách, có hàng lại vắng teo? Và khi người chủ tiệm chuyển cho người khác nấu thì lại mất khách? Chúng ta cũng đã biết khá rõ phở ngon là phải gắn với tên người nấu, ví dụ: phở Sinh, phở Phú, vv... Đối với việc làm tương thì cũng thế. Công thức làm tương thì có trong sách do dân gian truyền lại, nhưng mà không phải ai cũng làm được tương ngon. Và tương ngon bao giờ cũng gắn với tên người làm. Hiện nay nhiều thiền nhân biết điều này nên họ thường thích được ăn những món ăn do những vị thiền sư hay cao tăng nấu. Phái nam cũng ước ao có được những người vợ có trình độ về ẩm thực. Một lần tôi cùng một phái đoàn vào thăm khu Cốc giếng Chén ở chùa Hương. Chuyến thăm đột ngột, nhưng sư Chân Trí dường như biết trước nấu rất nhiều thức ăn gồm toàn rau củ hái trong rừng và cơm lứt. Được ăn cơm trong Thiền cốc (một nhà hoàn toàn bằng tranh tre vừa đủ cho một người ẩn tu, có hàng hiên bằng tre xung quanh để đi thiền hành) giữa một vùng rừng núi bao la trong một thung lũng cao bao quanh 8 ngọn núi, hoa rừng và chim chóc hót lượn xung quanh con người... Thật là tuyệt vời!
Ngoài ra chúng tôi cũng đề cập đến một số vấn đề về tâm linh bếp núc vì người xưa đã tin như thế, chúng ta tin thì tin, không tin thì thôi chứ không nên báng bổ ông cha ta.
Theo một số sách về phong thuỷ, nơi đặt bếp lửa cũng phải ở chỗ thuận tiện để người nấu ăn vừa nấu vừa quán xuyến được cả ngôi nhà, nghĩa là ai vào ra đều có khả năng nhận biết rõ. Nếu đặt bếp nấu vào vị trí không quán xuyến toàn bộ ngôi nhà được, thì nhỡ khi đang nấu ăn bất thình lình có ai vào tận bếp thì người nấu dễ giật mình và điều này tạo ra từ trường xấu cho nhà bếp và cho thức ăn. Nghĩa là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nấu ăn, để họ cảm thấy rất dễ chịu thích thú trong khi làm cơm.
Vấn đề tiếp theo là phải trân trọng tối đa cho nhà bếp, không được để bẩn thỉu, bừa bãi, luộm thuộm, kỵ nhất phơi hong đồ lót lên bếp. Ngoài ra, tránh không làm cái bể dưới cái bếp nấu ăn vì đây là điều càng tối kị. Hiện nay ở thành phố nhiều nhà mắc phải lỗi này vì nước là thủy, lửa là hoả. Hoả ở trên thuỷ mà thủy khắc hỏa, bất lợi.
Cửa của cái bếp lửa tránh quay về hướng tây vì như thế con cái trong nhà sẽ hỗn hào. Nhiều khi chỉ cần xoay cửa bếp thì con cái trong nhà đã yên ổn.
Nhớ lại cha ông ta chọn dâu kén rể rất cẩn thận, các cụ cũng thích chọn những phụ nữ có tướng vượng phu ích tử để có ảnh hưởng tốt đến giống nòi, họ quan tâm đến sự tháo vát vội trợ và tính nết của cô con dâu và bà mẹ cô ta hơn cả những điều cô ta cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu ký, làm gì, hay có tài kiếm nhiều tiền hay không, như phần đông thanh niên ngày nay thường quan tâm.
Cái nết của người phụ nữ xưa rất được chú trọng, vì đàn bà là chủ nhân của bếp núc, được phong là nội tướng, nghĩa là đàn bà xưa hiểu biết về tâm linh bếp núc hơn đàn bà thời nay. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng giải thích được vì sao tỷ lệ li dị của cha ông ta rất thấp so với xã hội đương đại.
Chúng tôi cũng đã đọc bài báo của giáo sư Từ Giấy nói rất hóm hỉnh, trong một bài báo với nhan đề “Thực đơn giết chồng”. Bài báo nói rõ vì vợ yêu chồng cho chồng ăn rất nhiều thứ bổ dưỡng như ngày 2 quả trứng gà đập vào trong bát phở, v.v... sau một thời gian quá tải với lượng cholesterol đưa vào người (trứng chứa lượng cholesterol cao nhất trong tất cả thực phẩm), ông chồng bị bệnh, v.v... càng thấy rõ hạnh phúc của nhân loại đã được quy luật tự nhiên giao phó cho người đàn bà.
Chúng tôi hy vọng nay mai chúng ta sẽ mở các cuộc thi nấu ăn dân gian, như thi nấu cơm gạo lứt (loại gạo không bón phân hoá học, không phun thuốc trừ sâu độc hại) bằng niêu đất, nấu bằng củi hoặc rơm... để khôi phục lại nét đẹp trong truyền thống dân tộc xứng đáng là con Hồng cháu Lạc - vì “chúng ta là cái chúng ta ăn”.